MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cử tri Nguyễn Đình Hùng, chủ tịch hội Cựu giới chức huyện Hoà Vang, TP.Đà Nẵng phát biểu: “Ở chương trình THPT môn Lịch sử phải là môn học bắt buộc chứ tại sao lại là môn học tự chọn”. Ảnh: Nguyễn Linh

Cử tri Đà Nẵng: Nên đưa môn Lịch sử làm môn học bắt buộc

Nguyễn Linh LDO | 13/05/2022 17:25

Sáng 13.5, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng đã tham dự Hội nghị tiếp xúc cử tri huyện Hoà Vang. Trong buổi tiếp xúc, nhiều cử tri ý kiến, nên đưa môn Lịch sử làm môn học bắt buộc.

Cử tri Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch hội Cựu giáo chức huyện Hoà Vang, TP.Đà Nẵng phát biểu: “Nhằm mục đích hướng đến tương lai học để làm người, học để chung sống và học để hội nhập, mỗi người là một công dân trên toàn cầu thì ở chương trình THPT, môn Lịch sử phải là môn học bắt buộc chứ tại sao lại là môn học tự chọn?”.

Ở chương trình THPT 2022-2023, học sinh được tư vấn định hướng đây là môn học tự chọn, học sinh nào có năng khiếu, muốn học thì đăng ký chọn học, còn nếu không thì không cần học. Điều này có nghĩa là ai không muốn học thì không cần học. Theo ông Hùng, môn lịch sử nên học bắt buộc như đề xuất từ năm 2015 của Quốc hội. Trong đó đổi mới giáo dục đào tạo là môn Toán, Ngữ Văn và Lịch sử là 3 môn bắt buộc.

Để minh chứng cho điều mình nói, ông Hùng nêu ví dụ về trường hợp một học sinh ngây ngô, thiếu kiến thức về lịch sử đã nộp bài kiểm tra với yêu cầu phân tích và nêu ý nghĩa của bài "Hịch Tướng Sĩ", nhưng lại miêu tả về nhân vật “ông” Hịch Tướng Sĩ với đầy đủ năm sinh, năm mất, khi ông chết thì được chôn cất tại huyện Hoà Vang, TP.Đà Nẵng và được người dân địa phương cúng tế.

Ngoài ra, còn có trường hợp một bạn học sinh đã cho rằng Hai Bà Trưng hưởng ứng theo lời kêu gọi của Bác Hồ đã phất cờ khởi nghĩa nhưng bị thất bại, nhảy xuống sông Hàn tự vẫn?

Trả lời về vấn đề này, ông Võ Văn Thưởng, Uỷ viên bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư trung ương Đảng trao đổi: “Nếu học sinh nào không chọn môn Lịch sử để học thì sẽ học nhiều hơn 71 tiết so với chương trình cũ, nếu học sinh nào chọn môn Lịch sử để học để theo các ngành xã hội và nhân văn thì sẽ học nhiều hơn 176 tiết”.

Ông Võ Văn Thưởng, Uỷ viên bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng trả lời cử tri trong buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Linh

Ngoài ra ông Thưởng còn cho biết chương trình giáo dục mới còn có những môn học khác như quốc phòng an ninh, bảo vệ Tổ quốc và môn học về lịch sử địa phương cũng liên quan nhiều tới lịch sử.

Tuy nhiên, theo ông Thưởng, vẫn có một số cách diễn đạt rằng bỏ môn Lịch sử ra ngoài môn học bắt buộc, hay môn Lịch sử không còn là môn học bắt buộc nữa, thì không đúng.

“Tôi cũng có chỉ đạo với ban Tuyên giáo rà soát cùng ban cán sự Đảng của bộ GDĐT, Uỷ ban Quốc hội, nghiên cứu đánh giá lại với số liệu, cung cấp thêm thông tin với cô bác cử tri để xem xét làm rõ vấn đề này” - ông Thưởng cho biết thêm.

Ngoài ra, trong buổi làm việc với các cử tri huyện Hoà Vang, ông Võ Văn Thưởng còn trao đổi thêm về vấn đề đào tạo tiến sĩ hiện nay gây nhức nhối trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức nhà nước.

Ông Thưởng cho rằng: “Một số cán bộ, công chức của chúng ta cũng “sính” bằng cấp tiến sĩ, đua đòi có bằng để cho nó “oách”, nhưng không xử lý vấn đề thực tiễn được bao nhiêu".

Theo ông Thưởng chỉ trừ những ngành y tế, khoa học công nghệ, những lĩnh vực cần bằng cấp, chuyên môn sâu thì nên theo học chứ không nên chạy theo để lấy bằng cấp cho có.

Cùng với đó, trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức nhà nước hãy cố gắng làm việc học tập trong thực tiễn, học trong sách vở, học trong cuộc sống những kiến thức nền tảng chúng ta học được không bao giờ đủ cả.

Ông Thưởng đề nghị các cấp có thẩm quyền khi đánh giá cán bộ không đặt nặng vấn đề bằng cấp, không đánh giá cao, khen ngợi anh em có bằng cấp để tạo ra xu hướng ai cũng đi học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn