MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên không chỉ cần vững chuyên môn mà còn cần khéo léo trong ứng xử với học trò. Ảnh: Minh Hà

Cư xử chừng mực với học sinh, bài học giáo viên cần khắc ghi

Nguyễn Văn Lực, Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa LDO | 13/07/2023 07:00

Giáo viên không chỉ cần vững chuyên môn, mà còn cần linh hoạt, khéo léo trong việc ứng xử với học trò. Đặc biệt, cần giữ bình tĩnh trong mọi tình huống.

Trong những ngày qua, có nhiều ý kiến xung quanh câu chuyện thầy giáo ở Cà Mau có những lời nói xúc phạm học sinh. Là đồng nghiệp, tôi rất thông cảm khi thầy còn thiếu kỹ năng kìm chế cảm xúc để nói ra những lời không đẹp, gây phản cảm trong giáo dục.

Thực tế, việc thầy cô nổi nóng khi dạy học sinh là khó tránh khỏi, như bản thân tôi cũng từng mắc phải khi mới ra trường. Hôm nay xin được kể lại câu chuyện này mong được các đồng nghiệp có thêm kinh nghiệm trong xử lý tình huống phát sinh trong dạy học.

Năm 1986, tôi nhận quyết định về giảng dạy ở trường phổ thông cơ sở Diên Tân, Diên Khánh, Khánh Hòa, một xã kinh tế mới của huyện Diên Khánh. Đồng ruộng thì khô cằn chỉ canh tác được một vụ vào tháng mười âm lịch khi bắt đầu có mưa.

Đời sống người dân nơi đây hết sức khó khăn, hằng ngày họ chỉ biết vào rừng chặt củi về bán để sống qua ngày. Nhiều em học sinh sáng đến trường, chiều theo cha mẹ vào rừng chặt củi.

Một hôm thấy có nhiều học sinh lớp 7 đi chân không vào lớp, tôi liền mắng các em với mong muốn các em học sinh đừng đi chân đất đến lớp nữa mà hãy đi dép.

Không ngờ tối hôm ấy có ba phụ huynh học sinh đến khu tập thể nơi tôi ở nói rằng sao sáng nay thầy lại mắng học sinh không đi dép đi học khiến phụ huynh không hài lòng.

Khi đó, tôi rất hoang mang và run sợ vì vừa ra trường, chưa có kinh nghiệm trong cách ứng xử với phụ huynh. "Họ có hiểu ý tốt của tôi không, họ muốn gì ở tôi? Tôi đúng hay sai? Phải trả lời họ thế nào đây?" - hàng loạt câu hỏi tôi tự đặt ra trong đầu.

Tôi cố bình tĩnh trả lời phụ huynh: “Ý tôi muốn nói các em phải đi dép, không nên đi chân không kẻo chẳng may đạp phải đinh, gai rất nguy hiểm”.

Một phụ huynh khác lên tiếng: “Con tôi làm gì có dép để đi?”. Lúc này tôi thật sự hối hận không biết được phụ huynh rất nghèo, không có tiền để mua cho con đôi dép đi học. Tôi chỉ biết nói xin lỗi phụ huynh vì không biết các em không có dép.

Rất may sau khi tôi giải thích phụ huynh cũng hiểu được và thông cảm về lời nói của tôi. Khi ra về một phụ huynh thở dài và nói rằng: “Thầy cần phải học nói”.

Câu nói này đã theo tôi trong suốt 37 năm đứng trên bục giảng. Tôi rất buồn và tự trách mình chưa tìm hiểu vì sao nhiều em không có dép mà vội nói như vậy. Tuy buồn nhưng qua đó cũng cho tôi thêm kinh nghiệm sống: Hãy thận trọng trước khi nói, nhất là đối với học sinh phải thật chuẩn mực.

Dù học sinh có như thế nào thầy cô chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ vì mỗi em có hoàn cảnh khác nhau, năng lực nhận thức không giống nhau nên cần tiếp cận để có sẻ chia giúp các em là điều thầy cô cần phải làm, không giống như tôi và thầy giáo ở Cà Mau thiếu kìm chế bản thân để có những lời nói xúc phạm đến học sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn