MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyển mình theo nhu cầu thị trường, nhiều trường đại học mở ngành học mới. Ảnh: Trang Hà

Cuộc đua mở ngành mới, tăng chỉ tiêu của các trường đại học

Thanh Hằng LDO | 18/03/2024 14:59

Mùa tuyển sinh năm 2024 đang nóng dần lên khi nhiều trường đại học công bố tăng mạnh chỉ tiêu, mở thêm nhiều ngành học mới - đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và mong muốn của người học. Trước xu thế này, chuyên gia cho rằng đây là tín hiệu tốt song cũng nhiều băn khoăn.

Hàng loạt cơ sở giáo dục đại học mở ngành mới

Nắm bắt xu thế về nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai, năm 2024, Trường Đại học Giao thông Vận tải mở thêm 2 ngành tuyển sinh mới là Kỹ thuật máy tính và Kinh doanh quốc tế.

Lý giải việc mở ngành, TS. Phạm Thanh Hà - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Giao thông Vận tải - cho biết, các ngành này có tính mới và phù hợp với bối cảnh hiện tại, khi nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trở nên cấp thiết. Trường định hướng tiên phong trong việc đón đầu các xu thế phát triển, nên các chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng đa ngành, có tính quốc tế, gắn với công nghệ và chuyển đổi số.

Với riêng ngành Kỹ thuật máy tính, nhà trường thiết kế đào tạo theo hướng chuyên sâu về nghiên cứu, thiết kế và kiểm thử chíp bán dẫn - nhằm phục vụ yêu cầu của Chính phủ về việc xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam.

Các cơ sở giáo dục đại học khác như Trường Đại học Ngoại Thương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)... cũng mở ngành mới, đáp ứng nhu cầu xã hội để đầu tư phát triển.

Ví dụ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến mở 6 ngành học mới, gồm Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin, Quan hệ lao động.

Trường Đại học Y Hà Nội dự kiến mở 4 ngành mới và tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Đó là 4 ngành trường dự kiến mở mới gồm Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Công tác xã hội và Tâm lý.

Ngoài ra, trường dự kiến đào tạo ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học và Kỹ thuật phục hồi chức năng tại phân hiệu Thanh Hóa. Năm trước, hai ngành này chỉ có ở trụ sở chính (Hà Nội).

Xác định được nhân lực xã hội thiếu và cần để đáp ứng

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ, khuyến khích và hoan nghênh các trường đại học mở thêm ngành học mới phù hợp với xu thế.

“Việc này đáp ứng nhu cầu nhân lực có chuyên môn cao trong quá trình hội nhập và hướng đến cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời giúp các trường đại học thu hút người học. Xu hướng đầu tư mở ngành học mới chứng tỏ các trường nỗ lực chuyển mình từ đào tạo những gì mình có sang đào tạo những gì thị trường cần.

Tuy nhiên, các ngành học phải đảm bảo tính mới, mở những ngành cần thiết, xác định được nhân lực xã hội thiếu và cần để đáp ứng” - GS Dong nhận định.

Dù xu hướng mở ngành mới là tín hiệu tốt, song Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng nêu ra những băn khoăn về chất lượng đào tạo, bởi nhìn lại những mùa tuyển sinh trước không phải ngành mới nào mở ra cũng bảo đảm chất lượng.

Thực tế còn tồn tại ở một số ngành mới mở hiện nay là tình trạng “bình mới rượu cũ”, vẫn giảng dạy theo kiểu cũ, không được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu đổi mới.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng muốn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của điều kiện bảo đảm chất lượng khi các trường mở ngành học mới, đó là năng lực đội ngũ giảng viên; chương trình đào tạo; đánh giá yêu cầu chuẩn đầu ra, nhu cầu đào tạo…

Dành lời khuyên cho các sĩ tử trong vấn đề chọn ngành chọn nghề, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, thí sinh nên cân nhắc lựa chọn kỹ lưỡng ngành học, có định hướng nghề nghiệp từ sớm và tìm hiểu chi tiết về các trường đại học đào tạo chất lượng nổi tiếng ở lĩnh vực các em quan tâm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn