MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau khi nhiều trường công lập ở Hà Nội hạ điểm chuẩn, phụ huynh đã "ồ ạt" tới trường ngoài công lập để rút hồ sơ. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Cuộc đua rút – nộp hồ sơ: Đã ai thấu nỗi khổ của trường tư?

HUYÊN NGUYỄN LDO | 07/07/2018 11:00

Để “thả cửa” cho phụ huynh rút, nộp hồ sơ cho con vào học lớp 10, nhiều nhà trường chấp nhận việc sĩ số biến động liên tục hàng trăm lần, cán bộ tuyển sinh vã mồ hôi để tìm hồ sơ và lo ngại tìm nguồn tuyển mới. 

Những ngày qua, dư luận đang hết sức quan tâm tới nỗi khổ của phụ huynh khi đến nộp, rút hồ sơ cho con vào lớp 10. Hàng loạt các từ được mô tả như "bấn loạn", "vật vã", "quay cuồng rút, nộp hồ sơ", “nháo nhác”.... Một số trường ngoài công lập thì được miêu tả như “lợi dụng” phụ huynh, "phản giáo dục", “bất chấp”, “tranh thủ kinh doanh trên lo lắng của phụ huynh, học sinh”….

Phía sau những lời nói đó, chưa ai đứng về phía các trường ngoài công lập để hiểu nỗi khổ của họ?

Lãnh đạo một trường ngoài công lập cho rằng phụ huynh khổ 1 thì các trường phải khổ 4, 5 lần vì chịu đủ mọi sức ép từ đủ phía: phụ huynh, Sở GDĐT, Hội đồng quản trị và xã hội.

Các trường ngoài công lập đang “tay không” khi không có số liệu bao nhiêu học sinh nộp nguyện vọng vào trường, mức điểm ở hồ sơ thế nào. Thế mới có chuyện các trường không dám đặt điểm chuẩn vì sợ “vỡ trận”, thấp quá thì sợ nhiều thí sinh nộp lại quá chỉ tiêu thì bị Sở GDĐT “tuýt còi”, cao quá thì sợ không tuyển đủ hồ sơ. Thế mới có chuyện, các trường phải ra quy định “ưu tiên nộp hồ sơ sớm” hay “dừng nhận hồ sơ đến lúc đủ chỉ tiêu”.

Khổ sở để tuyển đủ chỉ tiêu đã khó, trường còn phải xoay sở tình huống khi học sinh rút hồ sơ dẫn đến tình trạng thiếu, mất nguồn tuyển chất lượng cao. “Mỗi hồ sơ rút đi là một lần phải tìm học sinh thay thế. Mà các học sinh giỏi muốn nộp hồ sơ vào trường trước đó bị từ chối cũng đã tìm trường khác rồi.

Phụ huynh chỉ nghĩ đến cái lợi cho mình. Vì thế, nhà trường quy định cần có phí giữ chỗ để phụ huynh có trách nhiệm với việc làm của mình, đồng thời hạn chế tình trạng thí sinh ảo. Khi nộp hồ sơ thì năn nỉ bằng được để trường nhận. Khi rút hồ sơ thì quay lại nói nhà trường “lừa đảo”, “lợi dụng” trong khi chúng tôi đã thực hiện đúng quy định công khai, minh bạch và thoả thuận”, vị lãnh đạo này cho biết.

Tương tự, lãnh đạo Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh cho rằng, khó khăn của các trường ngoài công lập và chính phụ huynh là bị bịt kín thông tin về phổ điểm nên không biết thế nào để nộp hồ sơ. 

Tướt mồ hôi vì phụ huynh rút và nộp hồ sơ liên tục, ông Đào Tuấn Đạt - Trưởng ban điều hành Trường THPT Anhxtanh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ bộ phận tuyển sinh của trường phải làm rất tốt và vất vả.

“Trường tôi quan niệm, học sinh và phụ huynh tin tưởng đến với mình là quý rồi. Khi học sinh có lựa chọn tốt hơn sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho rút hồ sơ thoải mái mà không giữ lại khoản phí nào. Nhưng thực sự là rất mệt mỏi và không đơn giản như dư luận nghĩ. Ở trường tôi phụ huynh cứ rút ra nộp vào, thay đổi liên tục sĩ số hàng trăm lần. Có phụ huynh “củ chuối” tới mức độ không hề tìm hiểu kĩ mà theo trào lưu, rút ra xong nộp vào trường khác rồi lại rút trường khác nộp vào trường tôi. Cứ như vậy tới vài lần.

Chính từ hiện tượng đó mà các trường đặt ra số tiền “giữ chỗ” để ngăn chặn hiện tượng này. Mỗi trường đều có điểm khó nhưng tôi cho rằng đây không phải mấu chốt để giải quyết vấn đề, lợi cho phụ huynh thì nhà trường sẽ thiệt hại và ngược lại. Chúng ta cần cùng nhau tìm ra giải pháp chứ không phải là “đấu tố” nhau như vậy”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn