MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thầy Đặng Minh Tuấn - giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng IELTS chỉ nên là tiêu chí cộng điểm cho sinh viên ngành ngôn ngữ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đã đến lúc dừng lại việc "ưu ái" chứng chỉ IELTS để thay thế cho điểm thi

trà my LDO | 27/08/2023 06:35

Vừa qua, nhiều tranh cãi nổ ra sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đưa ra ý kiến xem xét lại chuyện sử dụng chứng chỉ IELTS thay thế điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh.

Khoảng 5 năm gần đây, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được ưa chuộng trong tuyển sinh. Hiện các chứng chỉ này được dùng chủ yếu trong xét miễn thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học.

Cụ thể, Bộ GDĐT xét miễn thi và tính điểm 10 tốt nghiệp môn ngoại ngữ với thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên hoặc tương đương. Tuy nhiên việc này gây tranh cãi vì chưa đảm bảo tính hợp lý, công bằng.

Mới đây, ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết sắp tới, Bộ sẽ xem xét lại việc miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ bằng IELTS.

Trước thông tin này, thầy Đặng Minh Tuấn - Giảng viên khoa Sư phạm - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu ra các quan điểm như sau:

"Theo tôi, việc khuyến khích học sinh học ngoại ngữ là rất tốt. Ngoại ngữ chính là phương tiện để dẫn các em tới con đường hội nhập quốc tế.

Tôi đánh giá, những em thi chứng chỉ IELTS đều phải trang bị vốn kiến thức, có năng lực ngôn ngữ. Đồng thời, xét về bản chất, học sinh thi chứng chỉ IELTS là điều rất tốt. Tuy nhiên, các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL… chỉ có giá trị trong 2 năm. Sau 2 năm người học phải thi lại nếu cần sử dụng".

Ở đây, ông Tuấn muốn nhấn mạnh, chứng chỉ IELTS chỉ được đánh giá trong một khoảng nhất định. Nó cho thấy năng lực sử dụng ngoại ngữ của thí sinh đó ở một thời gian ngắn chứ không đánh giá hay thay thế cho bất cứ kì thi nào. Việc "đặc cách" thí sinh không phải thi tốt nghiệp thay vào đó là quy đổi điểm thi thông qua chứng chỉ IELTS là điều nên bỏ.

Thầy Đặng Minh Tuấn - Giảng viên khoa Sư phạm - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội Ảnh: Nhân vật cung cấp

Quay lại câu chuyện sử dụng chứng chỉ thế nào cho phù hợp và hài hoà lợi ích các bên. Theo ông Tuấn, nên áp dụng xét chứng chỉ IELTS vào tính đặc thù của ngôn ngữ. Nếu ngành nghề nào dùng tới ngôn ngữ thì khi đó chứng chỉ xem như một điểm cộng cho thí sinh.

"Trong xét tuyển đại học hay phổ thông chỉ sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ như là một yếu tố xét tuyển thêm, không phải là tấm vé "thông hành" để xét tuyển vào đại học" - ông Tuấn nêu quan điểm.

Theo quan sát của ông Tuấn, hiện nay các trường đại học dùng IELTS làm tiêu chí xét tuyển đại học bằng cách quy đổi thành điểm môn tiếng Anh hoặc xét kết hợp với học bạ,...

Chẳng hạn như ở Đại học Bách khoa Hà Nội, điểm chứng chỉ ngoại ngữ sẽ được áp dụng quy đổi sang thang điểm 10 theo quy định của trường. Ngoài ra, điểm IELTS còn được quy đổi thành điểm thưởng trong điểm xét bài thi đánh giá tư duy mà trường tổ chức. Việc cho phép quy đổi chứng chỉ IELTS là quyền lợi riêng mà trường dành cho thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên.

Tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thí sinh có IELTS đạt 5.5 sẽ được quy đổi thành 10 điểm môn tiếng Anh. Điểm IELTS 6.0 được quy đổi 11 điểm. IELTS 6.5 quy đổi 12 điểm. IELTS 7.0 quy đổi 13 điểm. IELTS 7.5 quy đổi 14 điểm. IELTS 8.0 trở lên được quy đổi 15 điểm.

Việc các trường đẩy mạnh các phương thức tuyển sinh bằng chứng chỉ IELTS sẽ tạo ra những lợi thế cho các bạn được đầu tư từ sớm. Nhiều phụ huynh, học sinh nghĩ rằng học tiếng Anh thôi sẽ dễ dàng vào đại học. Học sinh “chạy xô” tới các lò ôn luyện để đạt được mục đích lấy chứng chỉ IELTS, vô hình chung sẽ làm các em bỏ đi rất nhiều kiến thức nền tảng cơ bản.

"Để học và thi chứng chỉ IELTS phải đầu tư thời gian và tốn kém tiền bạc. Tuy nhiên, nguồn tài chính ấy lại đổ vào các tổ chức đánh giá quốc tế. Điều này thật sự rất lãng phí" - ông Tuấn thẳng thắn nói.

Trao đổi với Báo Lao Động về việc làm thế nào để việc đánh giá năng lực của người học không phụ thuộc vào kênh đánh giá của các tổ chức quốc tế, ông Tuấn cho rằng vai trò của Bộ GDĐT hay của cơ quan quản lý rất quan trọng.

"Bộ GDĐT có thể tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ với các tiêu chí phù hợp với giáo dục Việt Nam giống như cách mà Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội,... đang làm. Như vậy vừa có thể đánh giá được năng lực học sinh mà không phải "dựa dẫm" vào bất cứ đơn vị quốc tế nào" - ông Tuấn đề xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn