MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đà Nẵng đang tổ chức những khóa đào tạo nguồn cho ngành vi mạch. Ảnh: Thùy Trang

Đà Nẵng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Nguyễn Linh LDO | 05/07/2024 17:28

Xác định phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là nhóm ngành đột phá, tạo xung lực phát triển nhanh và bền vững, các trường đại học tại Đà Nẵng đã tập trung đào tạo nhân lực các ngành mũi nhọn như công nghệ cao, công nghệ nguồn… Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị gặp gỡ Đà Nẵng - Nhật Bản ngày 5.7.

Chú trọng đào tạo vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo

Hiện, Đại học Đà Nẵng có đầy đủ các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo từ Đại học đến Tiến sĩ để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho thành phố Đà Nẵng và các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Trong đó, Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Trường Đại học Công nghệ Thông tin & Truyền thông Việt - Hàn là ba ngôi trường tại Đà Nẵng chú trọng đào tạo vào các chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Theo PGS. TS. Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã phối hợp với Tập đoàn Fujikin (Nhật Bản) khai trương Trung tâm Nghiên cứu, phát triển và sản xuất Fujikin Đà Nẵng.

Hai bên đã phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ thiết kế robot, chế tạo các thiết bị y tế thế hệ mới, triển khai công nghệ ứng dụng vật liệu, năng lượng sạch (Hydro, LED, Nano…), công nghệ thông tin và truyền thông (AI, IoT…).

“Đây là dự án công nghệ cao, phù hợp với định hướng phát triển thành phố Đà Nẵng để trở thành trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Dự án được đầu tư tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng với tổng số vốn là 35 triệu USD”, ông Lê Quang Sơn thông tin.

Ngoài ra, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật cũng tiếp nhận nhiều trang thiết bị nghiên cứu, giảng dạy kỹ thuật như Esuhai, Nisoul...

Dự án Công viên Phần mềm số 2 đang trong quá trình hoàn thiện. Ảnh: Văn Trực

Nhân lực chất lượng cao thu hút nhà đầu tư Nhật

Tại Hội nghị gặp gỡ Đà Nẵng - Nhật Bản ngày 5.7, ông Ito Naoki, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư mới vào lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ thông tin.

Điều này sẽ góp phần to lớn vào việc đạt được mục tiêu phát triển dài hạn của Đà Nẵng là trở thành trung tâm ở Đông Nam Á không chỉ về du lịch mà còn về lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ thông tin.

Ông Ito Naoki nêu cụ thể Tập đoàn Pasona đã thành lập Trung tâm chuyển đổi số của Pasona tại Đà Nẵng với mục đích đào tạo kỹ sư trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như AI.

Công ty Lhotse, doanh nghiệp đã đến Hải Phòng từ năm 1996 và có thành tích trong lĩnh vực sản xuất robot sử dụng cho thiết bị sản xuất chất bán dẫn, hiện đang đầu tư 15 tỉ yên vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng và dự kiến trở thành dự án đầu tư với quy mô lớn nhất của doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng.

“Gần đây, nhiều lao động được coi là nhân lực chất lượng cao tập trung ở lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ thông tin đang được đào tạo ở Việt Nam. Đồng thời nguồn nhân lực của Việt Nam đang thu hút sự chú ý không chỉ từ các công ty Nhật Bản mà còn từ các công ty trên thế giới”, ông Ito Naoki nói.

Theo UBND TP Đà Nẵng, vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là 2 trong 5 nhóm ngành đột phá, tạo xung lực phát triển nhanh và bền vững cho thành phố. Vì vậy, thành phố đã và đang tập trung phát triển vào 2 nhóm ngành này trên nhiều khía cạnh.

Về nhân lực, thành phố đặt mục tiêu đạt 5.000 kỹ sư vào năm 2030.

Về cơ sở hạ tầng, Đà Nẵng đã đi vào hoạt động khu công nghệ cao, công viên phần mềm 1, công viên công nghệ thông tin Đà Nẵng, FPT và hiện đang triển khai xây dựng công viên phần mềm 2, vịnh Đà Nẵng, không gian sáng tạo, tòa nhà Viettel…

Về cơ chế, thành phố ban hành nhiều chính sách ưu đãi liên quan đến chủ đầu tư, tiền thuê đất, chi phí sử dụng cơ sở hạ tầng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn