MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đa số sinh viên còn lúng túng trong xử lý các tình huống sư phạm

Vân Trang LDO | 19/10/2023 21:10

Đó là chia sẻ của hiệu trưởng một trường THPT công lập tại Hội nghị Mạng lưới đối tác phát triển nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức ngày 19.10.

GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho rằng, khâu kiểm chứng cuối cùng của công tác đào tạo là tại các trường học và việc này chỉ được kiểm chứng qua thực tiễn. Sự đồng hành, hỗ trợ của các trường học góp phần quan trọng trong việc đào tạo sinh viên sư phạm - những giáo viên trong tương lai.

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Vân Trang

"Nếu hỏi tôi rằng sinh viên trường tôi có được đào tạo tốt hay không, bao giờ tôi cũng nói tốt. Nhưng đó là tự khen, còn thực tiễn và “va đập” trước thực tế, mới có những hồi đáp để điều chỉnh. Đây là việc có ý nghĩa rất lớn với công tác đào tạo của nhà trường”, GS Nguyễn Văn Minh nói.

Lợi dụng sinh viên thực tập, nhiều giáo viên tranh thủ nghỉ dạy

Ông Đoàn Minh Châu - Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Hiệu trưởng các trường THPT công lập Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) - cho biết, hàng năm, nhà trường thường tiếp nhận hàng trăm sinh viên của các trường về thực tập.

Qua đó, ông Châu nhận thấy một số vấn đề còn tồn tại trong thực tập sư phạm trong nhiều năm qua. Một số sinh viên kiến thức còn hạn chế. Trong chương trình đào tạo của đại học sư phạm, có những vấn đề sinh viên được học cao quá, nhưng khi quay trở lại dạy phổ thông, học sinh lại không theo kịp.

"Thậm chí, một số sinh viên chưa biết soạn giáo án, chưa biết lập kế hoạch bài dạy. Một số sinh viên chưa chủ động tiếp cận học sinh để nắm bắt tình hình lớp", ông Châu nói và cho rằng, vấn đề còn tồn tại như đã nêu cũng đến cả từ giáo viên hướng dẫn.

Ông Đoàn Minh Châu, Phó chủ nhiệm CLB Hiệu trưởng các trường THPT công lập Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: Vân Trang

Ông Châu lấy dẫn chứng ngay từ trường mình và cho rằng, đây là vấn đề thực tế đối với công tác thực tập sư phạm không chỉ Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai mà các trường THPT nói chung.

"Một số giáo viên chưa thực hiện đúng quy trình hướng dẫn thực tập, thậm chí có giáo viên không cho sinh viên dự giờ, rút kinh nghiệm; chưa hướng dẫn sinh viên soạn giáo án hay chưa duyệt giáo án đã cho sinh viên lên lớp” - ông Châu nói.

Ông Châu cũng đề nghị các nhà trường có sinh viên đến thực tập không chỉ phân công giáo viên hướng dẫn mà cũng cần yêu cầu giáo viên phải hướng dẫn các em nhận thức được tầm quan trọng và yêu cầu của quá trình thực tập, về quy trình tìm hiểu thực tế đối với những nội dung lý thuyết đã học và những nội dung khác có liên quan.

Đồng thời, kiểm soát quá trình thực tập của sinh viên, thường xuyên gặp và trao đổi, giải đáp thắc mắc trong quá trình thực tập và hướng dẫn các em theo đúng quy trình.

Cần tăng cường dạy giá trị sống cho sinh viên sư phạm

Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) - cho rằng, sinh viên sư phạm không chỉ cần học kiến thức trong trường đại học, cần được dạy nhiều hơn về giá trị sống và kỹ năng sống. Do đó, ông Hòa mong trường sư phạm không chỉ dạy kiến thức, cần tăng cường dạy giá trị sống cho sinh viên, có các chuyên đề về ứng xử sư phạm, thực chất của việc thực tập sư phạm của sinh viên...

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội). Ảnh: Vân Trang

“Dạy học là truyền cảm hứng. Các phương pháp dạy học là cần thiết, nhưng nếu cứ cứng nhắc trong phương pháp dạy học sẽ không truyền được cảm hứng cho học sinh. Nếu chỉ chăm chăm lo vào dạy, thực hiện giáo án sẽ thất bại”, ông Hòa nói.

PGS.TS Nguyễn Văn Biên - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển nghiệp vụ sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho hay nhà trường muốn triển khai mạng lưới đối tác phát triển nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm với mục đích tạo sự kết nối chặt chẽ giữa trường và các cơ sở giáo dục.

Qua đó, tạo cơ hội thực tập và trải nghiệm thực tế, nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên sư phạm và duy trì quá trình phát triển nghề nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, mạng lưới này cũng hình thành đội ngũ giáo viên tham gia đào tạo nghề cho sinh viên sư phạm; nâng cao hiệu quả phát triển nghề nghiệp không chỉ cho sinh viên sư phạm mà còn cho chính giáo viên tại ở các cơ sở giáo dục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn