MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đặc cách học sinh giỏi tại Hà Tĩnh: Có phá vỡ sự công bằng?

Thiều Trang - Bích Hà LDO | 18/12/2020 15:05

Việc Sở GDĐT Hà Tĩnh quyết định đặc cách công nhận 70 học sinh lớp 12 là học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh vì đạt điểm IELTS từ 6.5 trở lên đang nhận được sự quan tâm của nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh. Nhiều người đặt câu hỏi về sự công bằng cho học sinh khi thực hiện quy định đặc cách này.

Đặc cách để khuyến khích dạy và học tiếng Anh

Sở GDĐT Hà Tĩnh đã ban hành văn bản số 1641/SGDĐT-GDPT về việc đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh có chứng chỉ tiếng Anh. Trong văn bản này, Sở GDĐT có hướng dẫn cụ thể về việc xét giải cho tất cả thí sinh đăng kí dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh lớp 9, 10, 11, 12 có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương trình độ B2 trở lên.

Văn bản về việc đặc cách học sinh giỏi tỉnh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế .
Bảng quy đổi điểm công nhận đặc cách học sinh giỏi tỉnh môn tiếng Anh của tỉnh Hà Tĩnh.

Trong năm học 2020 - 2021, Sở GDĐT Hà Tĩnh đã đặc cách công nhận 70 học sinh lớp 12 đạt điểm IELTS từ 6.5 trở lên là học sinh giỏi cấp tỉnh mà không cần dự thi.

Có 6 học sinh đoạt giải nhất với điểm IELTS 8.0; 20 em giải nhì đạt điểm 7.5; 44 em giải ba đạt điểm 6.5-7.0.

Nói về lý do đưa ra quyết định này, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Tĩnh cho rằng đây là cách làm đột phá nhằm khuyến khích phong trào dạy học tiếng Anh với đầy đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết trên địa bàn tỉnh.

Hơn nữa, dùng điểm thi IELTS để đặc cách là vì chứng chỉ này được công nhận trên toàn thế giới, phổ biến khi học sinh du học hoặc hội nhập quốc tế.

Còn nhiều băn khoăn

Việc đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh tại Hà Tĩnh đã khiến dư luận băn khoăn bởi nó có thể dẫn đến sự mất công bằng trong kỳ thi chọn học sinh giỏi và tuyển sinh đại học về sau.

Theo cô Nguyễn Phương (giáo viên tiếng Anh tại một trường THCS tại Thanh Hóa), kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh là một cuộc thi công bằng, minh bạch và rất khắt khe, ở đó không có bất kỳ sự đặc cách nào.

"Việc ưu tiên xét giải học sinh giỏi cũng là một cách động viên giúp học sinh cố gắng nhiều hơn. Tuy nhiên, cuộc thi nào ra cuộc thi đó, hành trình nào ra hành trình đó. Cấu trúc đề thi khác nhau, quá trình thi cũng khác nhau nên đặc cách công nhận như vậy sẽ bị thiếu cân đối, gây mất công bằng cho học sinh" - cô Nguyễn Phương bày tỏ quan điểm.

Chia sẻ suy nghĩ về vấn đề này, em Nguyễn Khánh Linh (học sinh trường THCS Ngọc Thụy, Hà Nội) cảm thấy không hợp lý và thiếu công bằng.

"Động viên, khuyến khích học sinh học tiếng Anh là rất tốt, thừa nhận nỗ lực và tài năng của các bạn đạt chứng chỉ cao là nhân văn. Tuy nhiên điều này sẽ không công bằng với các bạn ở tỉnh khác" - Khánh Linh chia sẻ.

Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ phụ huynh, bà Hoàng Thị Thanh (phụ huynh học sinh trường THPT Ân Thi, Hưng Yên) cho rằng việc tiếp thêm động lực học tập cho học sinh là việc làm cần thiết, song không nên phá vỡ sự công bằng.

"Thầy cô nên tạo ra "sân chơi" công bằng để động viên và thúc đẩy các con cố gắng, giúp các con có sự chuẩn bị vững vàng cho mai sau. Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh chỉ nên công nhận những học sinh trực tiếp tham gia và không nên đặc cách vì bất cứ lý do gì" - bà Thanh chia sẻ.

Ngoài ra, hiện nay nhiều trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp hoặc tuyển thẳng với những học sinh đạt giải học sinh giỏi. Việc có một địa phương đặc cách cho học sinh có chứng chỉ quốc tế được công nhận là học sinh giỏi cấp tỉnh, trong khi các địa phương khác vẫn tổ chức thi tuyển chọn học sinh giỏi rất nghiệm ngặt, vô tình cũng gây nên sự không công bằng cho học sinh khi xét tuyển đại học.

Về lo ngại này, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Tĩnh cho rằng, việc tuyển sinh là quyền tự quyết của trường đại học. Địa phương không đặt ra mục tiêu tăng số học sinh giỏi cấp tỉnh để tăng số lượng vào đại học, mà chỉ là cách khuyến khích học sinh học tiếng Anh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn