MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

Đại biểu Dương Trung Quốc: Các trường đừng vì vài đồng "phí giữ chỗ" mà đánh mất thương hiệu

Đặng Chung LDO | 11/07/2018 08:33
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, trong bất kể lĩnh vực nào, nhất là lĩnh vực giáo dục, bên cạnh pháp lý còn có đạo lý. Việc các trường tự đặt ra các khoản thu như phí giữ chỗ, đẩy thiệt thòi về phía học sinh, không giúp trường mang lại thương hiệu.

Các trường không nên đánh đổi thương hiệu

Những ngày qua, việc các trường ngoài công lập thu các loại phí ghi danh, phí giữ chỗ, kinh phí nộp hồ sơ…, với mức tiền từ 2 đến vài chục triệu đồng, đã gây nhiều tranh cãi. Phụ huynh quyết đòi lại tiền, còn các trường tư thì nhất quyết không trả.

Không đánh giá việc làm của các trường ngoài công lập là đúng hay sai, vì việc này đã có cơ quan quản lý, nhưng với tư cách là một đại biểu Quốc hội, ông Dương Trung Quốc thẳng thắn: Tôi không ủng hộ việc các trường đặt ra những khoản phí như “phí ghi danh”, “phí giữ chỗ”…


Phụ huynh chầu chực ở cổng trường Lương Thế Vinh sáng 6.7 để đòi lại tiền . (Ảnh: VietNamNet). 

"Hiện nay, xã hội đã cởi mở hơn, chúng ta chấp nhận cho việc kinh doanh giáo dục, nhưng trong bất kể lĩnh vực nào, nhất là lĩnh vực giáo dục, thì càng cần tính chất đạo lý. Bởi chúng ta vẫn nói giáo dục không chỉ dạy chữ, mà dạy cả nhân cách con người”- đại biểu Dương Trung Quốc chia sẻ.

Ông cho rằng, trước việc các trường ngoài công lập thu phí giữ chỗ, phụ huynh rút hồ sơ và đến đòi lại phí, thì sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước là cần thiết. Ngoài ra, dư luận xã hội cũng là một kênh quan trọng để điều chỉnh hành vi của mỗi người đang tham gia công tác giáo dục.

“Thương hiệu của mỗi nhà trường gắn liền với nhận thức xã hội, trong đó khách hàng chính là những phụ huynh có con muốn gửi gắm vào trường. Các nhà trường phải nhận thức rằng với hành xử kiểu này - giữ học sinh bằng cách đặt ra các khoản thu, hay phí giữ chỗ - có mang lại cho mình thương hiệu hay chỉ khiến phụ huynh bức xúc?

Tôi cho rằng dư luận xã hội nên tập trung vào đấy, báo chí nên đặt ra vấn đề đó. Nếu không, giáo dục sẽ bị thị trường hóa, người dân hiểu theo nghĩa xấu, tiêu cực.

Những trường như Lương Thế Vinh, hay Nguyễn Siêu, tôi rất trân trọng khi nhắc đến tên tuổi của những trường ấy. Vì nó gắn với tên tuổi của những nhà giáo mẫu mực. Nhưng tôi mong những người kế nhiệm nên đặt ra câu hỏi, có nên vì vài đồng tiền mà đánh đổi thương hiệu bao năm gây dựng hay không?” - đại biểu Dương Trung Quốc đặt câu hỏi.

Ngoài luật pháp còn có luật đời

Hiện nay các trường ngoài công lập viện dẫn Bộ luật Dân sự và cho rằng mình đang làm đúng pháp luật, đã thỏa thuận dân sự với phụ huynh nên sẽ không trả lại tiền phí giữ chỗ. Đại biểu Dương Trung Quốc thẳng thắn: Họ quên rằng còn có luật đời.

“Luật pháp nào cũng vậy, anh làm ăn hợp pháp tôi chấp nhận, nhưng không phải cái hợp pháp nào cũng là hợp lý. Hợp lý ở đây là sự đạo lý.

Nếu chất lượng tốt, học sinh sẽ tự tìm đến chứ không phải đặt ra các khoản thu để giữ chân học sinh.

Nếu luật cho phép các trường tự đặt ra những khoản phí như này, mang lại thiệt thòi cho học sinh, cho cộng đồng thì nên đặt ra vấn đề có nên điều chỉnh luật hay không?

Đây là lúc các cơ quan dân cử, Quốc hội nên vào cuộc, xem luật pháp đã giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa các bên hay chưa. Việc phụ huynh rút-nộp hồ sơ có thể khiến trường tư gặp khó khăn, nên chúng ta cần nhìn một cách công bằng.

Tôi sẽ phản ánh việc này với Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội để tìm định hướng, tháo gỡ. Cơ quan quản lý cũng cần tìm giải pháp để làm hài hòa lợi ích giữa các bên” - đại biểu Dương Trung Quốc khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn