MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: Vân Anh

Đại biểu Dương Trung Quốc: Tôi buồn, nhưng không bất ngờ về điểm thi môn Lịch sử thấp

Đặng Chung LDO | 12/07/2018 19:00
Theo thống kê của Bộ GDĐT, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 có đến 83% thí sinh có điểm môn Lịch sử dưới trung bình. Người nói tại phương pháp giảng dạy, người nói tại đề thi quá khó.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, ông không bất ngờ khi đọc những con số về điểm thi môn Lịch sử thấp. Bởi đây là sự nối tiếp của một hiện tượng đã có.

“Vấn đề điểm thi môn Lịch sử thấp, xã hội đang rất quan tâm, đặc biệt là giới sử học chúng tôi, cả các thầy cô dạy Sử nữa. Có buồn, nhưng tôi không bất ngờ. Bởi sau mỗi mùa thi, vấn đề này lại được đặt ra.

Theo tôi, con số này phản ánh hiện nay sự thay đổi trong giáo dục vẫn hết sức chậm chạp. Chúng tôi đang chờ đợi một sự thay đổi căn bản, trên cơ sở thay đổi chương trình, thay đổi sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy để học sinh tìm thấy hứng thú khi học môn Sử, chứ không phải học vì ép buộc, học chỉ để thi, rồi thi điểm không cao lại giật mình, lại hỏi tại sao như thế”- nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.

Về ý kiến cho rằng, điểm môn Lịch sử thấp chứng tỏ môn học này đang bị học sinh quay lưng, ông Dương Trung Quốc cho rằng nên đặt vấn đề ngược lại: Tại sao học sinh lại quay lưng với môn Lịch sử?

“Hiện nay, Bộ GDĐT đổi mới thi cử, chuyển Lịch sử từ môn thi tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm. Quan điểm của tôi, việc thi cử là kiểm tra học sinh nhớ hay không nhớ thôi. Điều đó chỉ là những yếu tố mang tính chất tạm thời. Quan trọng là học sinh vận dụng kiến thức Lịch sử ra ngoài đời sống như thế nào?

Tôi nói vui thôi, là nếu học Lịch sử giúp người ta dễ kiếm tiền, dễ có được một công việc tốt, thì chắc chắn mọi người sẽ học thôi.

Còn những mong muốn, đòi hỏi các bạn trẻ phải yêu môn Lịch sử khi ngồi trên ghế nhà trường, điều đó khó lắm. Bởi thầy cô còn chưa giúp học sinh hình dung được học Lịch sử để làm gì.

Tôi cho rằng chúng ta đừng đỏi hỏi quá cao ở học sinh. Bởi kiến thức Lịch sử không chỉ là học trong nhà trường. Lịch sử là sự tích tụ cả cuộc đời mình. Điều đó khiến chúng ta phải học Lịch sử ngoài đời nhiều hơn là học trong sách vở”- ông Dương Trung Quốc thẳng thắn.

Nói về giải pháp để học sinh hứng thú hơn với môn Lịch sử, ông Dương Trung Quốc cho rằng quan trọng nhất là làm sao cho giá trị Lịch sử đi vào đời sống.

Ông chia sẻ: “Đây là một bài toán khó, không chỉ của riêng Việt Nam. Nếu coi đây là một hiện tượng xã hội thì nhiều nước khác cũng có. Nhưng ít nhất, các nước trên thế giới, phương pháp dạy lịch sử của họ phong phú, đa dạng, sinh động hơn chúng ta rất nhiều. Họ cũng có nhiều công cụ để quảng bá lịch sử, chứ không chỉ dựa vào sách vở.

Tôi kỳ vọng vào ban soạn thảo chương trình, sách giáo khoa mới sẽ tạo nên một thay đổi lớn. Quan trọng nhất là làm sao cho giá trị lịch sử đi vào đời sống. Lịch sử là cuộc sống nên phải được thể hiện qua đời sống một cách chân thật".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn