MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Anh Trí trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 26.10.

Đại biểu Quốc hội đề xuất "3 tại chỗ" để học sinh nghèo được đến trường

Đặng Chung - Trần Vương LDO | 26/10/2021 12:50

Theo các đại biểu Quốc hội, việc tìm giải pháp để học sinh được trở lại trường sớm nhất, nhanh nhất có thể là trách nhiệm của cả xã hội, cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành Giáo dục, Y tế và của từng địa phương.

Được đi học trực tiếp là nhu cầu rất chính đáng của học sinh

Trao đổi với Lao Động bên hành lang Quốc hội, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Nam) nhận định: Nước ta đã thay đổi phương châm phòng, chống dịch chuyển từ “Zero COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội. Đây được xem là bước ngoặt về nhận thức và sự đúc kết kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ kép.

Ông Hạ cho rằng, khi thực hiện “mục tiêu kép” thì sức khoẻ của con người vẫn là điều trên hết. Khi mở cửa lại nền kinh tế thì việc cho trẻ em đến trường là yêu cầu quan trọng để bố mẹ các em yên tâm làm việc, cuộc sống sớm trở lại bình thường mới. 

Đại biểu Tạ Văn Hạ - đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Nam. 

Ông Hạ cũng phân tích, môi trường lớp học rất dễ lây lan, vì số lượng học sinh đông, ở nhiều nơi rồi nhiều người đưa đón… Nhưng phải làm sao cho các em đi học sớm nhất, để giảm bớt sang chấn tâm lý, tăng cường quan hệ xã hội, tương tác giữa thầy trò…

Để làm được điều này, đại biểu Hạ cho rằng, “chìa khóa” là vaccine, phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ em. Tới đây, Việt Nam phải chủ động được nguồn vaccine, có nghĩa là phải có vaccine “made in Vietnam”.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP.Hà Nội) cho rằng phải giải quyết tốt nhất để học sinh được đi học và được học trực tiếp tại trường, bởi nhu cầu đi học là nhu cầu rất chính đáng của các em.

“Mỗi một chúng ta đều phải có trách nhiệm để làm được điều đó cho các em. Hiện nay, học trực tuyến là giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng để hỏi “học có hiệu quả không?”, tôi khẳng định là không thể bằng trực tiếp. Bên cạnh đó còn có những tác hại, có cái nhìn thấy và cũng có thứ chúng ta chưa thể nhìn thấy hết. Vì vậy, phải giải quyết tốt nhất để các em được đi học và được học trực tiếp tại trường”- đại biểu Trí nhấn mạnh.

Bộ Y tế phải thường xuyên cập nhật thông tin, địa phương cần quyết liệt

Hiện nay, vệc xác định thời điểm để học sinh trở lại trường vẫn là quyết định được các địa phương cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng, trong đó có Hà Nội.

Nêu quan điểm về việc này, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, để học sinh thủ đô sớm được trở lại trường thì cần sự phối hợp, quyết liệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, rồi đến chính quyền địa phương, của mỗi phụ huynh.

“Đầu tiên phải làm sao có được vaccine cho trẻ em. Phải xem loại vaccine nào có thể tiêm được cho trẻ em, có an toàn cho trẻ không? Để biết được điều này cần phải bám sát vào tiến bộ khoa học kỹ thuật quốc tế để cập nhật, chứ không duy ý chí là dành hay nhường vaccine của người lớn để tiêm cho trẻ em là được, mà cần có loại riêng, liều lượng riêng.

Bộ Y tế phải có trách nhiệm thường xuyên cập nhật thông tin về việc này, có hướng dẫn cụ thể. Chỗ nào có vaccine phù hợp thì phải đề xuất Chính phủ, tập trung nguồn lực để mua ngay, tiêm cho học sinh” – đại biểu Trí nhấn mạnh

Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, cần cố gắng hướng đến học trực tiếp nhưng phải tổ chức cho thật an toàn, an toàn ngay trong chính gia đình của học sinh. 

“Như tôi, mỗi ngày đi làm về, các cháu chạy ra chào ông, nhưng tôi phải từ chối ngay, đi rửa tay, thay quần áo, rồi mới dám ra ôm lấy các cháu.

Tiếp theo là phải đảm bảo an toàn cho học sinh trên cung đường các em tới trường. Nếu gia đình có điều kiện,  có ôtô riêng, xe máy riêng để chở các em đến trường thì rất tốt. Với những gia đình không có điều kiện, tôi đề xuất phương án “3 tại chỗ”, tạo điều kiện cho các cháu được ăn, ở, học tập ngay tại trường"- đại biểu Trí đề xuất.

Ông cũng cho rằng, các nhà trường phải có cán bộ y tế, hằng ngày đo nhiệt độ, hướng dẫn học sinh những biện pháp an toàn. Ngoài ra, nếu học tập trung, thì nên hai tuần xét nghiệm PCR cho học sinh một lần. Việc xét nghiệm theo mẫu gộp sẽ giúp giảm chi phí.

“Ngành y tế tham gia quyết liệt, địa phương quyết liệt, rồi nhà trường cố gắng thì các cháu học sinh có thể đến trường. Chính phủ phải vào cuộc, cả xã hội phải vào cuộc để giúp học sinh được đi học an toàn và sớm nhất”- đại biểu Trí nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn