MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội kiến nghị, ngoài lương, cần xem xét chế độ phụ cấp của giáo viên

Tường Vân - Thuỳ Linh LDO | 01/11/2023 16:07

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, ngoài lương, cần quan tâm đến chế độ phụ cấp để thu nhập của giáo viên đủ sống, thầy cô yên tâm công tác.

Lương giáo viên hiện nay thấp

Lương công chức, viên chức hiện nay được tính bằng lương cơ sở nhân hệ số lương. Tuỳ vào vị trí, cấp bậc công việc dựa trên trình độ, bằng cấp của công chức, viên chức mà hệ số lương có sự thay đổi. Mức lương theo đó cũng có sự chênh lệch.

Từ ngày 1.7.2023, mức lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Theo mức lương cơ sở mới, mỗi giáo viên sẽ được tăng khoảng từ 0,6 - 2,5 triệu đồng mỗi tháng.

Theo hiệu trưởng 1 trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội, hiện thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp của giáo viên công tác trong 5 năm đầu là khoảng 5,5 triệu đồng/tháng/người. Trong khi đó, với nhiều người lao động phổ thông, hiện đã có thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/tháng.

Lương cơ sở thấp, hệ số lương ít thay đổi, công việc lại mang tính đặc thù, nhiều áp lực nên không tạo được động lực cho người lao động.

Chính phủ đã đề xuất lộ trình cải cách tiền lương, dự kiến thực hiện từ ngày 1.7.2024. Theo đó, giáo viên là đối tượng được cải cách tiền lương và mức lương được thay đổi có lộ trình nhằm nâng cao đời sống cho các nhà giáo.

Ngoài lương, cần quan tâm đến chế độ phụ cấp

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, cải cách tiền lương là nội dung nhận được sự quan tâm, kì vọng rất lớn.

"Với cách tính hiện nay, tiền lương của những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước quá ít ỏi và lạc hậu so với mặt bằng giá cả cuộc sống nói chung.

Cải cách tiền lương không đơn thuần là tăng lương mà cách tính lương mới, không giống với thang bảng lương cũ truyền thống" - bà Nga nói và cho rằng, lần cải cách tiền lương này, điều quan trọng, là thang bảng lương được xếp theo yêu cầu công việc. Tức là với mỗi vị trí việc làm nhất định, người lao động được ấn định mức lương cụ thể, không phụ thuộc người ở vị trí đó có bao nhiêu năm kinh nghiệm, bao nhiêu năm công tác.

"Hy vọng với cách tính lương mới, lương mới đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước" - bà Nga nói.

Riêng đối với giáo viên và bác sĩ, bà Nga nhìn nhận, đây là 2 lực lượng quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Song, thang bảng lương của ngành y tế, giáo dục hiện nay rất thấp, đây là nguyên nhân chính đẫn đến chảy máu chất xám ở 2 ngành nghề quan trọng này.

"Chính phủ đang nỗ lực xây dựng Luật Nhà giáo, trình Quốc hội năm 2024. Hy vọng với những chế độ chính sách quy định trong Luật Nhà giáo, thu nhập của nhà giáo sẽ được cải thiện" - bà Nga nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga còn chỉ ra thực tế hiện nay, giáo viên, y bác sĩ đều đã có chế độ phụ cấp. Song, mức phụ cấp không đáng kể, chủ yếu là ghi nhận sự đóng góp cống hiến trong nghề. Do đó, bà Nga kiến nghị cần xem xét chế độ phụ cấp của giáo viên, y bác sĩ.

"Với ngành đặc thù như y tế, giáo viên, ngoài lương, cần quan tâm đến phụ cấp đặc thù nghề nghiệp. Quan trọng, phụ cấp đặc thù nghề nghiệp cần có tác dụng để cải thiện thu nhập chứ không chỉ để động viên tinh thần.

Cùng với sự cải cách tiền lương, xem xét phụ cấp của các ngành nghề đặc biệt, làm sao để thu nhập của người làm trong ngành y tế, giáo dục - ngành quan trọng trong đời sống con người được cải thiện đáng kể, ngăn chặn chảy máu chất xám, để họ yên tâm công tác" - bà Nga bày tỏ quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn