MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều địa phương đã lên kế hoạch đón học sinh các cấp trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ảnh: Hải Nguyễn

Đại diện UNICEF: Cho toàn bộ học sinh trở lại trường là quyết định dũng cảm

Đặng Chung LDO | 02/02/2022 18:23
Chính phủ, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đều thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc triển khai kế hoạch đưa trẻ trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đánh giá đây là quyết định dũng cảm của Việt Nam, vì lợi ích cao nhất của học sinh.

Rủi ro học sinh nghỉ học vì COVID-19 lớn hơn rất nhiều khi đi học trở lại

Đại dịch COVID-19 bùng phát gần 2 năm qua đã làm gián đoạn việc học của trên 1,7 tỉ học sinh, sinh viên trên toàn thế giới. Trong thời gian này, dạy học trực tuyến được xem là “cứu cánh” để đảm bảo quyền được học tập của học sinh. Tuy nhiên, sau thời gian dài phải học tập trực tuyến, sức khỏe tâm thần của học sinh đang là vấn đề được nhiều quốc gia đặt ra.

Tại Việt Nam, thời gian qua, gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình. Kế hoạch năm học, chương trình giáo dục cũng phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi để thích ứng với dịch COVID-19.

Có điều, trẻ em ở nhà lâu ngày dẫn đến nhiều nguy cơ, không chỉ trẻ bị ảnh hưởng đến tâm lí, sức khỏe tâm thần mà phụ huynh cũng gặp khó khăn khi phải xoay xở để vừa chăm sóc trẻ tại nhà, vừa tham gia lao động sản xuất.

Trước những yêu cầu của thực tiễn, Chính phủ cũng như lãnh đạo Bộ GDĐT đã có chỉ đạo về việc phải sớm mở cửa trường học trở lại. Việc này cần làm ngay từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, để toàn bộ học sinh được đến trường.

Chia sẻ với phóng viên về quyết định mở cửa trường học tại Việt Nam, Trưởng Chương trình giáo dục Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam - bà Simone Vis - cho biết rất hoan nghênh việc này và cho rằng đây là quyết định dũng cảm, vì lợi ích cao nhất của trẻ em, đồng thời góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch. 

“Hiện nay đang có hơn 600  triệu trẻ em trên toàn thế giới chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các em không thể đến trường do việc đóng cửa trường học. Việc này đã tác động rất lớn đến tâm sinh lý, sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Chúng  tôi có nhiều bằng chứng rõ ràng cho việc học sinh ở nhà kéo dài vì dịch bệnh đã bị ảnh hưởng lớn về thể chất, tinh thần, chất lượng học tập. Rồi tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn, lao động trẻ em… gia tăng, nhất là trẻ em sống trong gia đình có cha mẹ lơ là, đã ly hôn. Vì thế, không thể chờ đợi thêm được nữa việc được nhìn thấy những gương mặt tươi vui của học sinh khi được quay trở lại trường”- đại diện UNICEF nhấn mạnh.

 Bà Simone Vis - Trưởng Chương trình giáo dục Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam.

Bà cũng cho rằng, một điều cũng quan trọng là cần mở cửa cho tất cả trẻ em, ở tất cả các cấp học được đến trường. Bởi các rủi ro mà  trẻ em gặp phải khi bị nghỉ học vẫn lớn hơn rất nhiều khi trẻ quay trở lại trường học.

Để học sinh an toàn khi trở lại trường, Trưởng Chương trình giáo dục của UNICEF tại Việt Nam cho rằng cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trong trường học, như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên để hạn chế các rủi ro lây nhiễm COVID-19. Bà cũng hoan nghênh cam kết của Chính phủ Việt Nam khi đã ưu tiên vaccine cho giáo viên trong khi nhiều quốc gia khác chưa làm được điều này, để đảm bảo việc mở cửa trường học được an toàn.

Ưu  tiên giáo dục kỹ năng, cắt giảm lượng bài tập, bài kiểm tra

Cũng theo đại diện của UNICEF, hiện Liên Hợp Quốc đưa ra một số ưu tiên trong việc mở cửa trường học. Đầu tiên là ưu tiên cho trẻ em độ tuổi nhỏ, thanh thiếu niên được trở lại trường học, đặc biệt là nhóm yếu thế. Học sinh đã không được đến trường trong nhiều tháng, nên rất nhiều em bị giảm kỹ năng xã hội. Vì vậy, trong thời gian đầu khi các em được quay trở lại trường, giáo viên cần hỗ trợ để học sinh làm quen lại với các kỹ năng và việc học trong lớp học.

Yếu  tố thứ hai cần phải quan tâm là hiệu quả học tập của trẻ bị sụt giảm trong thời gian đóng cửa trường học. Khi trẻ quay trở lại trường, nếu đặt áp lực học vấn, điểm số lên trẻ, các em sẽ  bị ảnh hưởng đến tâm lý, sợ đến  trường.

Vì vậy, Trưởng Chương trình giáo dục của UNICEF tại Việt Nam đưa ra khuyến cáo với ngành giáo dục và các bậc phụ huynh Việt Nam: “Tôi rất mong các vị phụ huynh, giáo viên, nhà  trường lưu tâm, ưu  tiên trước hết khi các em trở lại trường là được hỗ  trợ về kỹ năng xã hội. Nhà trường nên cắt giảm lượng bài tập, bài kiểm tra và nếu cần thiết, nên kéo dài thời gian của năm học để học sinh có điều kiện thích ứng, để không bị tụt hậu lại phía sau, để vượt qua rào cản COVID-19”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn