MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyễn Văn Hưng và Nguyễn Thị Bích Thùy (học viên trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội) cùng thầy giáo Nguyễn Xuân Nguyên (giữa) tại phòng điều khiển công nghiệp 4.0. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Đại học không phải là con đường lập nghiệp duy nhất: Chuyện của những “ông chủ lớn” từ trường nghề

LÊ PHƯƠNG LDO | 10/08/2018 06:21

Theo báo cáo của 63 Sở LĐTBXH, năm 2017, tỉ lệ học sinh, sinh viên (HSSV) tốt nghiệp trình độ cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp trung bình đạt trên 80%. Ngoài ra, rất nhiều người trẻ tốt nghiệp trường nghề khởi nghiệp thành công, nhiều người đang học đã trở thành “hạt giống đỏ”, được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn danh tiếng săn đón.

“Giới trẻ giờ đã khác”

Đây là chia sẻ của Nguyễn Văn Hưng (quê Sóc Sơn - Hà Nội) - sinh viên năm thứ 3 Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội - khi được hỏi về lý do vì sao chọn học trường nghề chứ không theo đuổi “giấc mơ đại học” như nhiều học sinh khác.

Những ngày này, Hưng đang phấn khởi chuẩn bị cho chuyến đi 1 năm đến Hàn Quốc để được đào tạo cho kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019. “Ngày 17.8, em được Tập đoàn Samsung đưa sang TP. Suwol để đào tạo trong 1 năm. Em chỉ ngại cuộc sống nơi xa lạ, chứ công việc học hành và ôn tập cũng không căng thẳng lắm” - Hưng nói.

Tại kỳ thi tay nghề quốc gia năm 2018, Hưng đoạt Giải Bạc ngành cơ điện tử. Hưng cũng không giấu chuyện sau khi tham dự kỳ thi tay nghề thế giới, Samsung sẵn sàng nhận em vào làm việc. Dù đây là mơ ước của rất nhiều lao động Việt Nam, nhưng Hưng lại thận trọng cho hay: “Em chưa chắc làm tại Samsung, em mơ ước mở Cty riêng giống nhiều anh chị đi trước”.

Cũng chung quan điểm không theo học đại học khi cơ hội việc làm không được xác định rõ ràng, Nguyễn Thị Bích Thùy (quê TP.Quy Nhơn) đã bất chấp sự phản đối của bố để ra nhập học cao đẳng nghề tại Hà Nội vào tháng 8.2017. Thùy cho biết, điểm thi THPT 3 môn của em được 23,3 điểm, nhưng em vẫn quyết học nghề, dù ngay cả bạn bè thân và lớp phổ thông của em gần như không có ai học nghề chứ đừng nói chuyện đi từ Quy Nhơn ra Hà Nội học.

Sau chưa đầy 1 năm, Thùy đã gặt “quả ngọt”: Em đoạt Huy chương Vàng tại kỳ thi tay nghề quốc gia năm 2018 nghề robot di động. “Con gái theo ngành kỹ thuật, có những lúc mệt mỏi, hơi nản lòng nhưng ngay sau đó em lại lấy lại hứng thú. Thời điểm ôn thi, có ngày em đến trường từ 7h sáng, miệt mài tận 2h sáng hôm sau mới về đến nhà, áp lực kinh khủng” - Thùy tâm sự.

Con số biết nói

Phan Văn Tú (sinh năm 1990, quê ở xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) tốt nghiệp cao đẳng nghề năm 2011. Hiện nay, Tú là ông chủ của 1 doanh nghiệp chế tạo máy CNC có trụ sở tại đường Phan Trọng Tuệ (Thanh Trì - Hà Nội). Tú thường xuyên có 6 công nhân, thu nhập thợ phổ thông 280.000 đồng/ngày; thợ cứng tay nghề 350.000 đồng/ngày; thợ hàn 300.000 đồng/ngày. Tú không giấu chuyện sau khi trừ chi phí, mỗi tháng em có thu nhập 60 - 70 triệu đồng.

“Em yêu nghề này lắm, vì vốn có cậu ruột làm ngành điện nên lớn lên đi học điện. Em theo học khoa Điện tự động hóa. Ra trường, có làm thuê cho 2 đơn vị trong 3 năm. Năm 2015 em ra làm riêng” - Tú cho hay. Cũng theo chia sẻ của Tú, các bạn học phổ thông của em, rất nhiều người học đại học xong vật vã tìm việc làm, dù chấp nhận làm trái nghề cũng khó có việc làm. “Có người chấp nhận đi làm in 3D mặt ốp điện thoại với mức lương thấp để kiếm sống, những người học ra, xin được việc làm ngay, thu nhập cũng chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng” - Tú nói.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, năm 2017, có 8/63 tỉnh tuyển sinh được dưới 100 sinh viên CĐ, trong đó có 3 tỉnh không tuyển sinh được ở trình độ CĐ gồm: Cao Bằng, Lai Châu, Đắk Nông. Các ngành, nghề có kết quả tuyển sinh cao là: Điện công nghiệp, công nghệ ôtô, điện tử công nghiệp, hàn, quản trị mạng, công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính, kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, năm 2017, tuyển sinh học nghề của cả nước là 2.204.400 người, đạt 100,2% so với kế hoạch năm. Về tiền lương, thu nhập của HSSV qua đào tạo: Mức lương khởi điểm bình quân của sinh viên CĐ sau khi tốt nghiệp đạt 5,2 triệu đồng/tháng, học sinh TC sau khi tốt nghiệp đạt 4,6 triệu đồng/tháng. Một số ngành, nghề có mức lương khá cao, như nghề: Điều khiển phương tiện thủy nội địa (7 triệu đồng/tháng); vận hành cần, cẩu trục (6-8 triệu đồng/tháng). Có những nghề ở một số trường, SV tốt nghiệp ra trường có mức lương lên đến 9-10 triệu đồng/tháng. QUỲNH CHI

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn