MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đại học Văn Hiến “lách luật”, mở chuyên ngành kiểu “biến ông thành con"

HUYÊN NGUYỄN LDO | 18/08/2022 09:16

Những ngành đào tạo được quy định thuộc danh mục đào tạo cấp II, III, IV được Trường Đại học Văn Hiến xếp trở thành chuyên ngành hoặc một phần của chuyên ngành. Điều này tiếp tục cho thấy những bất cập trong việc mở chuyên ngành kiểu “biến ông thành con”, “râu ông này cắm cằm bà kia”.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đây là một “chiêu thức” để các trường đại học thu hút thí sinh theo học. Việc này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả xấu trong nền giáo dục và thiệt thòi cho thí sinh.

“Biến ông thành con”

Tiếp tục rà soát thông tin tuyển sinh của Trường Đại học Văn Hiến (VHU), báo Lao Động ghi nhận những điều không hợp lý trong việc mở chuyên ngành của trường trong nhiều năm qua.

Ngoài những nội dung đã nêu về chuyên ngành Điều dưỡng, chuyên ngành Xã hội học truyền thông – báo chí; chuyên ngành Truyền thông báo chí trong bài viết “Đại học Văn Hiến lập lờ tuyển sinh chuyên ngành Điều dưỡng, Truyền thông báo chí”, Lao Động ghi nhận hiện tượng “biến hoá” từ các ngành lớn được quy định trong các văn bản pháp luật thành chuyên ngành nhỏ.

Trước hết, cần phải nhắc lại, danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân theo Quyết định số 01/2017/QĐ-TTg ngày 17.1.2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ ràng về các cấp độ. Cấp I là trình độ giáo dục, đào tạo; Cấp II là lĩnh vực giáo dục, đào tạo; Cấp III là nhóm chương trình, nhóm ngành, nhóm nghề giáo dục, đào tạo. Thông tư 09/2022/TT-BGDĐT ngày 6.6.2022 của Bộ GDĐT quy định Danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học được phát triển thêm cấp IV.

Còn chuyên ngành đào tạo chỉ là một tập hợp những kiến thức và kỹ năng chuyên môn chuyên sâu của một ngành đào tạo. Một ngành đào tạo có thể có nhiều chuyên ngành. Chuyên ngành do cơ sở giáo dục đại học quyết định dựa trên căn cứ, hướng dẫn tại Quyết định số 01/2017/QĐ-TTg và Thông tư 09/2022/TT-BGDĐT.

Theo thống kê của báo Lao Động, VHU đang có hàng chục ngành đào tạo được thiết kế theo kiểu xếp ngành học cấp III, IV thành chuyên ngành theo kiểu “biến ông thành con”, “biến bố mẹ thành con”;…

Một ví dụ cụ thể như ngành Quản trị Kinh doanh (cấp III) qua các năm được nhà trường phân ra nhiều chuyên ngành khác nhau. Trong đó, lại có những chuyên ngành được cấp mã ngành như: Kế toán - Kiểm toán (cấp III); Kinh doanh thương mại (cấp IV); Điều dưỡng (cấp IV); Marketing (cấp IV).

Hay như ngành Công nghệ thực phẩm (cấp IV) có chuyên ngành Dinh dưỡng (cấp III); ngành Xã hội học (cấp IV) có chuyên ngành Công tác xã hội (cấp III); ngành Kinh tế (cấp IV) có chuyên ngành Kinh tế số (cấp IV); Kinh tế quốc tế (cấp IV)…

Điều này diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các ngành đào tạo tại VHU. Xin nhấn mạnh lại, chuyên ngành đào tạo là một tập hợp những kiến thức và kỹ năng chuyên môn chuyên sâu của một ngành đào tạo thế nhưng cách VHU xây dựng chuyên ngành giống như “hổ lốn”, chuyên ngành lại có độ bao phủ rộng hơn cả ngành tuyển sinh.

Ghép chuyên ngành kiểu “râu ông này cắm cằm bà kia”

Chưa dừng lại ở đó, việc xây dựng chương trình đào tạo của VHU cũng có những chuyên ngành không cùng lĩnh vực ngành. Ví dụ như Quản trị Kinh doanh thuộc nhóm ngành Kinh doanh và quản lý (mã 34) nhưng lại “kết nạp” chuyên ngành về Luật thuộc nhóm Pháp luật (mã 38). Hay ngành Công tác xã hội thuộc nhóm ngành Dịch vụ xã hội (mã 76) lại thành chuyên ngành của Xã hội học thuộc nhóm Khoa học xã hội và hành vi (mã 31)…

Thêm nữa, nhiều chuyên ngành được nhà trường xây dựng ghép thành phần từ 2 ngành đào tạo như: Chuyên ngành Công nghệ Sinh học Y dược và Sức khỏe; Y sinh; Công nghệ sinh học dược phẩm… trong ngành Công nghệ thực phẩm; Chuyên ngành Truyền thông Báo chí trong ngành Quan hệ Công chúng, chuyên ngành Văn – Sư phạm, Văn – Truyền thông trong ngành Văn học...

Điều này cũng được các chuyên gia chỉ ra rằng không phù hợp do một ngành đào tạo độc lập có thể ghép với một ngành gần nào đó để xây dựng một chương trình đào tạo liên ngành nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội (nhưng không được trùng với tên nhóm ngành) chứ không thể thành chuyên ngành của một ngành khác.

Liên quan tới vấn đề này, ông Trần Thanh Hương – Phó Chủ tịch Hội đồng trường VHU cho rằng, mở chuyên ngành nằm trong quyền tự chủ của các trường, Bộ GDĐT quy định mã ngành nghề cụ thể, còn các trường sẽ có sự thích nghi phù hợp. Tên chuyên ngành như thế nào phụ thuộc vào quan niệm và khái niệm của mỗi người và mỗi trường khác nhau.

Thực chất là “đánh lận”, “lách luật”

Theo Phó Hiệu trưởng một trường đại học có chỉ tiêu khoảng 6.000 sinh viên/năm nhận định, việc xây dựng chuyên ngành như trên đúng theo kiểu “râu ông này cắm cằm bà kia”. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng đào tạo và định hướng nghề nghiệp cho thí sinh. Ngoài ra, theo Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT ngày 18.1.2022 của Bộ GDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh thì một trong những nguyên tắc quan trọng là xác định theo lĩnh vực. Việc nhà trường xây dựng chuyên ngành một cách rối loạn như trên chỉ là “chiêu trò” trong tuyển sinh đại học.

Một thành viên Ban soạn thảo Luật Giáo dục Đại học cũng khẳng định với Lao Động rằng, dù trường được tự chủ trong xây dựng chuyên ngành thì cũng phải đảm bảo đúng quy định.

“Ngành và chuyên ngành thì hai thứ đó không thể trùng nhau. Nếu các trường cứ lý sự rằng trường được tự mở như thế nào là quyền của trường vậy thì việc phân loại từng cấp độ I, II, III, IV theo Quyết định của Chính phủ, Thông tư của Bộ GDĐT có ý nghĩa gì?”, vị này chia sẻ.

Vị này cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, khi đã được bổ sung vào danh mục ngành đào tạo thì cả hệ thống phải áp dụng chung một quy định. Những trường đang đào tạo như chuyên ngành nếu tiếp tục đào tạo cần hoàn thiện các điều kiện để nâng cấp chuyên ngành thành ngành theo đúng quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn