MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Lê Viết Khuyến cho rằng cần xem xét sự phát triển của đại học vùng ở khía cạnh sứ mệnh đào tạo. Ảnh: NV

Đại học vùng vẫn chưa hết sứ mệnh!

HUYÊN NGUYỄN LDO | 23/08/2018 09:00

Theo TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng, bao giờ tình hình kinh tế, xã hội ở các khu vực nơi có đại học vùng phát triển ngang các thành phố lớn, các vùng đồng bằng thì khi đó đại học vùng mới hết sứ mệnh.

Trước đề xuất giải thể đại học vùng, là người trực tiếp tham gia xây dựng mô hình đại học vùng, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, đại học vùng vẫn luôn có một sứ mệnh riêng. Đây là những đại học được thành lập cho các khu vực khó khăn nhằm đào tạo ra nhân lực bám sát chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của khu vực đó. Vì thế, nói đến các đại học vùng cần phải xem xét cả ở khía cạnh sứ mệnh.

Ở nước ta, đại học đa lĩnh vực ra đời từ nửa đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20. Các đại học đều được hình thành chủ yếu bằng cách “gom” và tổ chức lại các cơ sở giáo dục đại học có trên cùng một địa bàn. 

Tại Tờ trình Hội đồng Bộ trưởng số 1315/ĐH ngày 17.3.1992, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nêu rõ, đại học đa lĩnh vực “không phải là một cơ quan quản lý trung gian mà thực chất là một đơn vị đào tạo thật sự quan trọng được lập ra trên cơ sở hợp nhất hàng loạt trường đại học và viện nghiên cứu khoa học để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống, bảo đảm hiệu suất đào tạo cao, thích ứng với một xã hội có nền kinh tế thị trường”. Tuy nhiên, đã hơn 20 năm qua, các đại học vẫn chưa thực sự “mạnh”.  

Về nguyên nhân các đơn vị chưa thể hiện được sức mạnh tổng hợp, TS Khuyến cho rằng, do đại học chưa phải là một chỉnh thể thống nhất, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo. Các đơn vị chỉ vận hành dưới dạng của một “tập đoàn đại học” hay chính xác hơn, dưới dạng của một “liên hiệp các trường đại học chuyên ngành”.

Nguyên nhân thứ hai là về mặt pháp lý, các trường thành viên đã được nhà nước công nhận có tư cách gần như một trường đại học độc lập làm cho hoạt động của các đại học đa lĩnh vực trở nên rời rạc và vô hiệu hóa sức mạnh tổng hợp. Đây là điều tối kỵ đối với một đại học đa lĩnh vực ở mô hình phương Tây.

Với những quy định như vậy, cấp “đại học” trong các đại học đa lĩnh vực có thể được ví như cấp “bộ chủ quản” trong thể chế hiện nay. Vì tồn tại đồng thời 2 “bộ chủ quản” nên dĩ nhiên xuất hiện nhiều ý kiến đề xuất nên bỏ bớt đi một “cấp bộ chủ quản”, tức là giải thể các đại học đa lĩnh vực.

“Khi nào các vùng này phát triển kịp với các vùng đồng bằng, thành phố thì khi đó các trường này mới hoàn thành xong sứ mệnh đào tạo cho vùng và có thể xem xét đến việc đào tạo chung cho cả nước. Vì thế, chúng ra cần có những nghiên cứu, đề xuất để các đại học vùng đa lĩnh vực thực sự trở thành những “quả đấm thép” của giáo dục đại học Việt Nam”, TS Khuyến cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn