MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Tô Hiệu (thôn 7, xã Cư San, huyện M’Đrắk) đi dạy trên con đường đầy bụi, bùn lầy. Ảnh: Bảo Trung

Đắk Lắk: Gian nan dạy học ở vùng sâu, vùng xa

BẢO TRUNG LDO | 22/02/2023 12:30

Những năm qua, nhiều thầy cô giáo tại một số khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk đã dành hết thanh xuân để cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, gieo con chữ cho những mảnh đất nghèo, nơi đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Năm nay là năm thứ 9, thầy Lê Vũ Yên gắn bó với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Trang (huyện M’Đrắk, Đắk Lắk). Nhà cách nơi công tác hơn 120km, thầy Yên ở trường nhiều hơn ở nhà.

Thầy Lê Vũ Yên, giáo viên Trường Tiểu học Nơ Trang Long - cho biết: “Trường có tổng cộng 44 học sinh phải ở lại sinh hoạt, học tập tại trường. Tôi luôn xem các em như những đứa con của mình. Những em học sinh ở đây tuy còn nhỏ nhưng sống rất tự lập, không dựa dẫm vào ai. Thực sự cuộc sống, công việc tuy có vất vả nhưng tôi cảm thấy vui khi thấy các em học sinh do mình dạy dỗ trưởng thành từng ngày”.

Hay những thầy cô giáo ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Tô Hiệu (thôn 7, xã Cư San, huyện M’Đrắk) thường xuyên phải vượt quãng đường đồi núi hơn 50km đến trường.

Bên cạnh việc công tác ở vùng sâu, vùng xa còn thêm khó khăn nữa mà các giáo viên ngôi trường trên gặp phải là duy trì bằng được sĩ số học sinh ổn định, tránh để các em bỏ học. Vất vả nhưng không vì vậy mà nản lòng, các thầy cô vẫn kiên trì bám trường, bám lớp.

Thầy Nguyễn Văn Thảo - Giáo viên Trường Trung học phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Tô Hiệu - chia sẻ: “Nhà tôi cách trường đến 50km nên phải đi dạy từ 4h sáng. Mùa nắng bụi bặm, mùa mưa lầy lội rất khó đi, có khi tôi phải mất tới 3 giờ đồng hồ mới tới nơi. Đường sá khó đi, nên đôi khi nhiều thầy cô trên đường đi dạy không may gãy tay, gãy chân. Động lực lớn nhất của chúng tôi là các em học sinh chăm ngoan, chịu khó học tập nên chúng tôi chấp nhận khổ cực, bám trụ với lớp với trường”.

Trong nhiều năm, các giáo viên ở Trường Trung học phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Tô Hiệu chăm lo cho học sinh từ bữa ăn giấc ngủ, xem các em như con của mình. Một số người ban đêm còn phụ đạo cho các em để bắt kịp chương trình học. Một số em nghỉ học, các thầy cô phải đi đến tận nhà vận động đến lớp lại, không được bỏ con chữ.

Theo thầy Vũ Đức Hiến - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Tô Hiệu, khó khăn lớn nhất trong quá trình dạy và học là trường nằm cách xa trung tâm huyện, thầy cô đi đường xa vất vả để đến lớp. Một số giáo viên ở lại từ chủ nhật đến chiều thứ 7 mới về hoặc ở cả tuần, không chăm sóc được gia đình. Nhiều giáo viên nữ con nhỏ, ốm đau thì rất vất vả. Trong khi đó, một số học sinh lẫn phụ huynh còn coi nhẹ việc học tập.

Theo Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, năm học 2022-2023, địa phương có hơn 484.000 học sinh các cấp, trong đó gần 35% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Ở những vùng còn khó khăn, người dân nhận thức vẫn hạn chế, phụ huynh rất ít quan tâm đến việc học tập của học sinh. Thậm chí có người còn không cho con em đến tuổi đi học đến trường hoặc để các cháu bỏ học giữa chừng, ở nhà lập gia đình hoặc làm nương rẫy. Không chỉ dạy học, những giáo viên ở những khu vực nói trên còn phải thông thạo địa bàn, lo lắng từ việc ăn ở, từng hoàn cảnh của học sinh để thường xuyên đến nhà thăm hỏi, vận động.

Hy sinh một phần hạnh phúc riêng, những giáo viên vẫn nỗ lực động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Học sinh đến trường đều đặn, phấn đấu trong học tập chính là động lực cố gắng của họ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn