MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đắk Glong là huyện vùng sâu, vùng xa và hiện đang thiếu giáo viên trầm trọng nhất tỉnh Đắk Nông. Ảnh: D.P

Đắk Nông giải bài toán thiếu giáo viên, nợ tiền dạy tăng tiết

Phan Tuấn LDO | 12/11/2022 18:47

Do thiếu giáo viên nên huyện nghèo Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, phải sắp xếp giáo viên dạy tăng tiết để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Tuy nhiên, việc này đã lặp đi, lặp lại từ năm này qua năm khác nên Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Nông đề nghị UBND tỉnh phải có giải pháp căn cơ, cụ thể. 

Khó tuyển dụng, nợ tiền dạy tăng tiết

Theo UBND huyện Đắk Glong, trong năm học 2021-2022, số tiền dạy tăng tiết của toàn huyện phải chi trả cho các giáo viên khoảng 11,4 tỉ đồng.

Tại Phiên họp thứ 20 của Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh đã trình và được Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh thống nhất chi hỗ trợ huyện Đắk Glong 4 tỉ đồng để chi trả tiền dạy tăng tiết cho giáo viên trong các năm học từ 2021-2023. Như vậy, số kinh phí còn lại huyện Đắk Glong phải cân đối, chi trả cho các giáo viên là khoảng 7,4 tỉ đồng.

Mặt khác, năm học 2022-2023, toàn huyện Đắk Glong có 38 cơ sở giáo dục, với gần 20.000 học sinh các cấp. Theo quy định và nhu cầu thực tế, toàn huyện đang thiếu khoảng 204 giáo viên các cấp. Cụ thể, bậc mầm non thiếu 96 giáo viên, bậc tiểu học và trung học cơ sở thiếu 108 giáo viên.

Mặc dù còn chỉ tiêu biên chế nhưng trong điều kiện vùng sâu vùng xa thì việc tuyển dụng là không hề đơn giản. Theo đó, trong năm 2021, UBND huyện triển khai tuyển dụng 42 biên chế nhưng chỉ tuyển dụng được 33 biên chế giáo viên.

Năm 2022, huyện Đắk Glong còn 70 biên chế được giao bao gồm cả cũ và mới. Tuy nhiên, đến nay chưa tuyển dụng được giáo viên.

Về phía UBND huyện Đắk Glong tạm thời giao số lượng biên chế giáo viên này về các trường. Từ đó, các trường chủ động hợp đồng giáo viên theo quy định nên cũng giảm bớt được phần nào số tiền dạy tăng tiết của năm học 2022-2023. Tuy nhiên, việc tuyển được giáo viên hợp đồng đạt yêu cầu theo quy định cũng là bài toán chưa có đáp án của huyện.

Năm học 2022-2023, với số lượng giáo viên hiện còn thiếu và chưa tuyển được hợp đồng, các nhà trường vẫn phải áp dụng biện pháp sắp xếp cho các giáo viên tăng tiết.

Qua thống kê, riêng trong tháng 9.2022, số tiền chi trả dạy tăng tiết đã lên đến 700 triệu đồng. Điều này làm cho bài toán chi trả tăng tiết cho cả cũ và mới của địa phương đã khó càng khó hơn.

San sẻ chỉ tiêu biên chế giáo viên

Liên quan đến việc này, ông Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, việc đề xuất hỗ trợ chi trả tiền dạy tăng tiết của huyện Đắk Glong là bài toán không mới. Năm ngoái đã đề xuất hỗ trợ, năm nay lại tiếp tục, nghĩa là không có giải pháp căn cơ, cụ thể.

"Trên diễn đàn các kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh đều có ý kiến về vấn đề này nhưng cho đến giờ này chúng ta vẫn chưa làm được. Nếu năm nay không giải quyết cho căn cơ, sang năm lại tiếp tục lặp lại những vấn đề bất cập trong việc bố trí giáo viên dạy tăng tiết", ông nói.

Để giải quyết vấn đề này, ông Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông phân tích, tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở các địa phương như huyện Đắk Glong, Tuy Đức... vì nơi đây dân số tăng cơ học cao.

Điều đáng nói, đây là những huyện nghèo (thuộc diện 30A của Chính phủ) nên rất khó khăn trong việc thu ngân sách. Trong điều kiện nếu như Trung ương không thể đáp ứng được việc phân bổ chỉ tiêu biên chế cho tỉnh thì phải tính toán điều chỉnh việc thiếu giáo viên ở huyện ít sang huyện nhiều.

Biên chế giáo viên phải có sự san sẻ, chuyển từ huyện thiếu ít sang huyện thiếu nhiều hoặc những huyện có khả năng xã hội hóa sang cho các huyện như Đắk Glong. 

Muốn làm được điều này thì phải xác định được nhu cầu biên chế của từng cấp học, từng huyện và số biên chế được giao của từng huyện. Trên cơ sở đó có sự san sẻ giữa các địa phương để bảo đảm sự tương đối đồng đều giữa các địa phương. 

"Ngoài ra, hằng năm các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có giáo viên nghỉ hưu. Thay vì điều chuyển nhiều giáo viên từ huyện này sang huyện khác, các địa phương có giáo viên nghỉ hưu nên ưu tiên bố trí chỉ tiêu biên chế cho các huyện khó khăn như Đắk Glong" - ông Lưu Văn Trung cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn