MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ, giáo viên Trường THCS Đắk Nang trong một lần đến tận nhà vận động học sinh bỏ học trở lại trường. Ảnh: N.H.

Đắk Nông ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng

Phan Tuấn LDO | 06/10/2022 16:09

Năm học 2020-2021, toàn tỉnh Đắk Nông có 629 học sinh bỏ học. Tình trạng học sinh bỏ học diễn ra phổ biến ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, ngành giáo dục và các địa phương ở tỉnh Đắk Nông đang có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tối đa tình trạng này.  

Nguyên nhân học sinh bỏ học

Xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong có trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 61%. Hàng năm, có gần 70% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học lên trung học phổ thông hoặc đi học nghề, hơn 30% còn lại ở nhà làm nông.

Nhà nghèo, đông anh em, là nguyên nhân khiến việc học của các em dang dở. Đặc biệt, từ xã đến trung tâm huyện Đắk Glong khá xa. Do đó, để theo học trung học phổ thông, nhiều em phải sang học ở các tỉnh lân cận như: Đắk Lắk, Lâm Đồng… Đây cũng là lý do khiến cho nhiều gia đình không có điều kiện cho con em tiếp tục đi học. 

Đơn cử như em Thào Mý Dình sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở thay vì học lên trung học phổ thông hoặc học nghề thì em đã ở nhà làm nông. "Nhà em nghèo lắm lại có đông anh em nên việc tiếp tục theo học cấp III hay học nghề là không thể" - em Dình cho biết.

Theo Sở Giáo dục - Đào tạo Đắk Nông, năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 629/212.486 học sinh bỏ học, chiếm tỉ lệ 0,44%. Trong đó, có 165 học sinh tiểu học; 387 học sinh trung học cơ sở; 77 học sinh trung học phổ thông.

Trong số này có 438 em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số bỏ học, chiếm tỷ lệ 0,87%. Tỉ lệ học sinh bỏ học nhiều nhất là ở huyện Đắk Glong với 168 học sinh.

Qua đánh giá, tình trạng học sinh bỏ học xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết, bản thân các em học sinh, nhất là ở bậc trung học cơ sở còn thiếu động cơ, ý thức học tập. Điều này dẫn tới kết quả học yếu, kém, nên mặc cảm, tự ti với bạn, ngại đi học, chán học.

Cụ thể, trong số 629 học sinh bỏ học, có đến 10,18% do học lực yếu, kém; 32,9% do kinh tế gia đình khó khăn; 6,2% do dịch bệnh; 5,09% do nhà xa trường, đi lại khó khăn; 42,13% do các nguyên nhân khác…

Cũng theo Sở Giáo dục - Đào tạo, tỷ lệ học sinh cấp trung học cơ sở bỏ học nhiều nhất chiếm 0,84%. Ngoài ra, ở lứa tuổi này, tâm sinh lý cũng có nhiều thay đổi, nhận thức chưa đầy đủ, gia đình không còn quan tâm sát sao như học sinh ở cấp tiểu học.

Đặc biệt, hiện nay, thành phần các em học sinh bỏ học chủ yếu ở các gia đình có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Về phía phụ huynh cũng đồng tình muốn con nghỉ học lao động phụ giúp gia đình. Cũng có một bộ phận các em học sinh ở xa trường, ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 kéo dài...

Nhiều giải pháp ngăn chặn học sinh bỏ học

Chia sẻ về việc ngăn chặn học sinh vùng sâu, vùng xa bỏ học, nhiều giáo viên, hiệu trưởng ở các địa phương cho rằng việc xem xét đầu tư phân hiệu trung học phổ thông tại địa phương hoặc thực hiện mô hình trường trung học cơ sở kết hợp trung học phổ thông là rất cần thiết.

Để hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học, ngay từ đầu năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo đã quán triệt tất cả các cơ sở giáo dục, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số triển khai đồng bộ các giải pháp.

Trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, học sinh về ý nghĩa, động cơ, trách nhiệm của việc học đối với lập thân, lập nghiệp tiếp tục tăng cường.

Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao hiệu quả các lớp xóa mù chữ được xem là một giải pháp quan trọng, góp phần kéo giảm tỷ lệ học sinh có học lực yếu, kém bỏ học.

Về phía ngành Giáo dục, phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan chức năng, địa phương thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ học sinh có điều kiện kinh tế khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số đến trường.

"Trong năm học, các cơ sở giáo dục phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương tăng cường kiểm tra, duy trì sĩ số học sinh. Ngành tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh kiên cố hóa trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học" - ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Đắk Nông cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn