MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo Trường THPT Lương Thế Vinh, cơ sở 1 - Tân Triều trao đổi với học sinh sau giờ lên lớp. Ảnh minh hoạ: Huyên Nguyễn

Đánh giá chuẩn hiệu trưởng: Nhiều giáo viên “nhắm mắt” cho điểm để tránh phiền phức

Huyên Nguyễn LDO | 09/02/2018 12:20
Bàn về 5 tiêu chuẩn và 21 tiêu chí đánh giá hiệu trưởng, nhiều giáo viên thẳng thắn chia sẻ, vẫn còn mang tính tương đối và nặng hình thức. Thậm chí, giáo viên còn “nhắm mắt” cho điểm để tránh những phiền phức cho bản thân.

Th.s Vũ Hoàng Sơn - giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa (Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng: Về cơ bản, các tiêu chí trong dự thảo chuẩn hiệu trưởng mới được công bố thì các hiệu trưởng, hiệu phó vẫn đang thực hiện. Dự thảo cũng có bổ sung một số điểm mới như trình độ tiếng Anh, tin học....

Tuy nhiên, cho dù đánh giá theo tiêu chí nào đi nữa thì quan trọng vẫn là hiệu quả “thực sự” được thể hiện chính bằng kết quả đạt được cũng như sự đi lên của ngôi trường. Cách đánh giá hiện nay có vẻ nghiêm túc, chặt chẽ, thực hiện đúng quy trình và các thủ tục cần thiết theo thông tư hướng dẫn nhưng vẫn còn hình thức.

Thậm chí, một bộ phận không nhỏ giáo viên còn “nhắm mắt” cho điểm để tránh những phiền phức cho bản thân. Chúng ta phải đánh giá thật khách quan, công tâm thì không phải lo ngại gì. Tiêu chuẩn mới mà cách làm vẫn cũ thì cũng khó đem lại hiệu quả.

Ông Sơn nhấn mạnh rõ: Hiệu trưởng làm tốt như thế nào thì chính là sự thay đổi của ngôi trường sau từng năm học. Nếu lãnh đạo nhà trường không tạo ra những nét riêng, đột phá cho ngôi trường mình đang quản lý thì điểm cao cũng không có giá trị và xin “nhường chỗ” cho người khác.

Ngoài ra, việc đánh giá nên áp dụng công nghệ thông tin để tiết kiệm chi phí, thời gian bằng việc đánh giá thông qua hình thức trực tuyến để khách quan và thuận lợi trong việc xử lí số liệu", ông Sơn nói.

Đồng quan điểm, phụ huynh Nguyễn Thị Vân Anh (Văn Quán, Hà Đông) chia sẻ: Dự thảo chuẩn hiệu trưởng mới quy định sẽ xin ý kiến đánh giá của giáo viên, phụ huynh. Thế nhưng không biết sẽ chọn giáo viên và phụ huynh như thế nào? Một khi đã là chỉ định rồi thì ai dám đi trái lại hiệu trưởng?

Còn giáo viên Trường THPT quận Ba Đình, Hà Nội nhận định: “Vấn đề dân chủ trong trường học là điều đáng bàn nhất khi nói về chuẩn hiệu trưởng. Một khi trong trường thực hiện tốt về dân chủ, về công khai thì chắc chắn các mặt khác cũng sẽ tốt.

Tuy nhiên, giáo viên hiện nay đang rơi vào tình trạng sợ hiệu trưởng như “sợ cọp”, hễ ai trái ý hiệu trưởng là sẽ gặp nhiều rắc rối trong công việc nên mọi người thường né tránh.

Bên cạnh đó, sắp tới có thể sẽ giao việc tuyển dụng, kí hợp đồng với giáo viên cho hiệu trưởng theo chủ trương giao quyền tự chủ về các trường, như thế khác nào hiệu trưởng là "ông vua con". Ai dám chống?” – giáo viên này thẳng thắn chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn