MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đánh giá đúng F1 trong trường, tránh làm gián đoạn việc học của học sinh

Thiều Trang LDO | 11/02/2022 19:23

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, việc đánh giá các F1 trong trường học rất cần thiết vì cần đúng đối tượng học sinh tiếp xúc với nhau; tránh đánh giá nguy cơ thái quá dẫn đến việc học bị gián đoạn.

Cần thống nhất tiêu chí xác định F1

Trước những câu chuyện "dở khóc dở cười" của học sinh về tình huống vừa đến lớp đã phải quay về do có F0, nhiều phụ huynh tại Hà Nội cho rằng các trường học trên địa bàn thành phố chưa thống nhất phương án xử lý khi xuất hiện F0 trong trường học.

Theo chị Lê Thị Tuyến - phụ huynh học sinh tại Hà Đông, bên cạnh việc chuẩn bị kỹ càng các kịch bản ứng phó với mọi tình huống liên quan đến dịch tễ, các quận huyện trên địa bàn nên thống nhất phương án xử lý F0, F1 tại lớp học, đặc biệt là tiêu chí xác định F1.

"Tôi chưa thấy sự đồng bộ ở việc xác định F1 trong lớp học. Theo lời kể của nhiều phụ huynh, trường thì quy định khoác vai, ôm, nói chuyện trên 15 phút là F1; trường thì xác định ngồi cạnh nhau là F1; trường thì thông báo một học sinh là F0 thì cả lớp là F1,...

Từ đó dẫn đến sự xáo trộn trong hình thức học tập, khiến học sinh mệt mỏi vì chuyển trạng thái liên tục, gây ức chế cho phụ huynh khi phải chạy theo lịch học của con" - chị Tuyến bức xúc.

 Phụ huynh “quay mòng mòng” khi sáng con học trực tiếp, chiều học trực tuyến. Ảnh: Hải Nguyễn

Đồng tình với quan điểm trên, anh Phan Văn Toàn - phụ huynh học sinh tại quận Cầu Giấy cho rằng, hiện nay giáo viên, học sinh và phụ huynh phải cơ động, linh hoạt như "thời chiến", luôn sẵn sàng thích ứng trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, cần thống nhất phương án xử lý F0, F1 trên toàn thành phố để tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu.

"Nguy cơ đến đâu thực hiện đáp ứng đến đó"

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhấn mạnh:

“Chúng ta phải đánh giá, điều tra dịch tễ, xét nghiệm, rồi xác định F0, F1 trong trường học chính xác. Nguy cơ đến đâu chúng ta thực hiện đáp ứng đến đó. Tránh việc đáp ứng không đến nơi đến chốn, không phòng chống được dịch. Nhưng nếu đánh giá nguy cơ thái quá dẫn tới đáp ứng một cách thái quá sẽ khiến việc học bị gián đoạn".

PGS.TS Trần Đắc Phu dẫn ví dụ về việc Bộ Y tế đã đánh giá lại cấp độ dịch, vì vậy các địa phương cần phải áp dụng. Tránh hiện tượng chỉ có 1 số gia đình có trường hợp F0 mà bắt các cháu cả phường nghỉ học. Hoặc có trường hợp F0 gọn trong 1-2 phường mà bắt cả quận phải nghỉ học. Hoặc dịch chỉ xảy ra ở 1 lớp mà bắt cả trường nghỉ học.

Bên cạnh đó, việc xét nghiệm cũng phải thực hiện đúng theo dịch tễ, tránh xét nghiệm tràn lan và không cần thiết. Điều này vừa không hiệu quả, vừa tốn kém cho nhà trường và tốn kém cho phụ huynh.

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam. Ảnh: Đình Nam

Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh việc đánh giá các F1 trong trường học. Đây là việc làm cần thiết vì cần đúng đối tượng trẻ tiếp xúc với nhau, tránh trường hợp trẻ không tiếp xúc với nhau mà xác định F1 rồi bắt cả lớp hoặc cả trường nghỉ học. Về vấn đề này Bộ Y tế đã có hướng dẫn rất cụ thể.

Bên cạnh đó, trong 1 gia đình khi có F0 thì chủ động cho trẻ nghỉ học và cách ly theo quy định. Nhưng khi đánh giá không có sự lây nhiễm thì cho con đi học trở lại, tránh lạm dụng trong việc đánh giá gây gián đoạn việc học không cần thiết.

Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, khi các trường mở cửa trở lại, tình trạng gia tăng các ca mắc mới và nhập viện ở trẻ em là khó tránh khỏi. Vì vậy, hệ thống y tế cần chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản khi số bệnh nhân tăng. Đồng thời, hướng dẫn cho học sinh điều trị, cách ly tại nhà khi bị nhiễm COVID-19.

"Y tế cần chuẩn bị sẵn cơ sở điều trị Nhi khoa cho trẻ em riêng. Những trường hợp nặng sẽ nhanh chóng tiến hành điều trị cho các cháu để các cháu không bị diễn biến nặng hơn hoặc tử vong đáng tiếc.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền đến các bậc phụ huynh để họ không lo lắng quá khi cho trẻ đến trường. Trong trường hợp, học sinh bị nhiễm COVID-19 cần bình tĩnh, phối hợp với nhà trường và y tế" - PGS.TS Trần Đắc Phu đưa ra khuyến cáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn