MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số trường đại học đã khởi động hoặc dự kiến mở đào tạo ngành vi mạch bán dẫn nhằm giảm sự thiếu hụt nhân lực vi mạch tại Việt Nam.

Danh sách trường đại học tuyển sinh ngành công nghệ bán dẫn năm 2024

Bích Hà LDO | 19/02/2024 14:14

Nhiều trường đại học đã công bố thông tin tuyển sinh năm 2024, trong đó có việc mở các ngành học mới liên quan đến lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

Thêm hàng nghìn chỉ tiêu, sinh viên trúng tuyển được hỗ trợ chỗ ở, học phí

Năm 2024, Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn. Nhà trường sẽ xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư.

Một trường thành viên của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh là Trường ĐH Công nghệ Thông tin TP Hồ Chí Minh lần đầu tuyển sinh ngành Thiết kế vi mạch.

Những năm trước, Thiết kế vi mạch là một chuyên ngành trong ngành Kỹ thuật máy tính. Năm nay, nhà trường sử dụng 3 phương thức tuyển sinh: Tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển (25%); Xét tuyển dựa trên điểm thi (68%); Xét tuyển dựa trên chứng chỉ quốc tế uy tín (7%).

Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn và Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật (thuộc Đại học Đà Nẵng) sẽ tuyển sinh gần 200 chỉ tiêu cho chuyên ngành đào tạo thiết kế vi mạch trong năm 2024. Ngành này chủ yếu ưu tiên xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh riêng.

Đại diện Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) cũng thông tin trường sẽ tuyển sinh 1.500 chỉ tiêu trong năm nay. Trong đó, chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn được mở mới sẽ tuyển sinh 40 chỉ tiêu.

Nhà trường cũng dự kiến chuyển tiếp 180 sinh viên các chuyên ngành gần và liên quan sang thiết kế vi mạch bán dẫn. Đối với thí sinh trúng tuyển chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn có điểm xét tuyển từ 27 điểm trở lên sẽ được xét hỗ trợ 100% học phí hai học kỳ đầu tiên. Thí sinh từ 26 - 27 điểm được xét hỗ trợ 75% học phí hai học kỳ đầu tiên; từ 24 - 26 điểm được xét hỗ trợ 50% học phí của 2 học kỳ đầu tiên.

Ngoài ra, thí sinh trúng tuyển còn được xét hỗ trợ miễn phí 100% chỗ ở trong ký túc xá của trường từ 1 - 4 học kỳ đầu của khóa học.

Trường đại học Quốc tế Sài Gòn, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng sẽ tuyển sinh chuyên ngành thiết kế vi mạch trong mùa tuyển sinh năm nay.

Năm 2024, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM mở mới ngành Thiết kế vi mạch.

Nhiều lựa chọn cho thí sinh

Đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực bán dẫn và nhu cầu đăng ký học ngành này của thí sinh, ngoài việc mở các ngành đào tạo trực tiếp, các trường đại học còn có thêm chương trình chuyển đổi cho những thí sinh đang học các ngành đào tạo gần với lĩnh vực này.

Chẳng hạn, Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn, đó là các ngành: Điện tử Viễn thông; Thiết kế vi mạch; Hệ thống nhúng Điện/Tự động hóa; Cơ điện tử; Kỹ thuật máy tính/Khoa học máy tính; Vật lý kỹ thuật; Vật liệu/Vật liệu điện tử; Công nghệ Vi điện tử và nano với tổng số hơn 3.300 sinh viên.

Lộ trình đào tạo các cử nhân, kỹ sư làm việc trong lĩnh vực chip bán dẫn tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã rút ngắn đào tạo tại doanh nghiệp từ 6-9 tháng xuống 3-6 tháng.

Đại học Quốc gia Hà Nội mỗi năm đào tạo 1.500 sinh viên có liên quan đến thiết kế vi mạch, công nghiệp bán dẫn và dự kiến sẽ tăng số lượng đào tạo lên gấp đôi.

Trường Đại học FPT cùng Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT cũng đã thành lập Khoa Vi mạch bán dẫn nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt tại Việt Nam. Nhà trường dự kiến phối hợp nguồn lực có sẵn của hệ thống công ty thuộc Tập đoàn FPT - trải rộng trên 30 quốc gia - để xây dựng mô hình đưa sinh viên tốt nghiệp Khoa Vi mạch và bán dẫn ra nước ngoài làm việc tại các công ty và thị trường hàng đầu về bán dẫn trên toàn cầu.

Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng bắt đầu triển khai đào tạo ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn. Chương trình đào tạo hướng tới trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng chuyên môn liên quan đến thiết kế, chế tạo và đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn tích hợp.

Tại Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) dự kiến mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn. Thời điểm này, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ đội ngũ giảng viên để tham gia giảng dạy chuyên ngành này từ năm 2024.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, trong 5 năm tới khoảng 20.000 nhân lực và 10 năm tới khoảng 50.000 nhân lực từ trình độ đại học trở lên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn