MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đào tạo ngành Sức khỏe: Hạn chế lý thuyết để tập trung vào thực hành

Huyên Nguyễn LDO | 25/11/2021 16:39
Để có được đội ngũ bác sĩ vững tay nghề, PGS.TS.BS Trần Thị Trung Chiến cho rằng chúng ta cần hạn chế những lý luận, lý thuyết, tập trung vào thực hành, thực tiễn là chính, cầm tay chỉ việc cho sinh viên ngành Sức khoẻ

Chú trọng thực hành, thực tập

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến đã chia sẻ như vậy tại Tọa đàm Tri ân ngày Nhà giáo Việt Nam để thể hiện sự tri ân đến đội ngũ thầy cô “đặc biệt”: thầy thuốc – thầy giáo tại các cơ sở y tế - nơi sinh viên khối Sức khỏe tham gia thực hành, thực tập trong chương trình học tập chính khóa do Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng - HIU tổ chức.

GS.TS.BS Phạm Văn Lình phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: HN 

Tại toạ đàm, GS.TS.BS Phạm Văn Lình – Hiệu trưởng HIU nhấn mạnh: “Tất cả các thế hệ sinh viên từ Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đều phải được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, thái độ y đức để trở thành lực lượng chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Để làm được điều này, chúng ta phải đảm bảo việc thực hành ở các bệnh viện, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tham gia sâu hơn vào chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.

Đồng thuận với tầm quan trọng của chương trình thực hành, thực tập tại cơ sở, nhất là đối với sinh viên khối ngành Sức khỏe, PGS.TS.BS Trần Thị Trung Chiến chia sẻ: “Tôi rất cảm kích sự cố gắng và nỗ lực định hướng chiến lược của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Theo tôi, chúng ta cần hạn chế những lý luận, lý thuyết mà nên tập trung vào thực hành, thực tiễn là chính. Làm sao “cầm tay chỉ việc” thành một thầy thuốc vững tay nghề để ra trường làm nhiều việc tốt, cứu được người bệnh, người thân. Đây là điều rất quan trọng để lấy được niềm tin của nhân dân chúng ta. Nói đến thầy thuốc là yêu mến chứ không phải là tiêu cực”.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến nhấn mạnh việc đào tạo thực hành cho sinh viên khối ngành Sức khoẻ. Ảnh: HN

Đại diện đội ngũ giảng viên HIU, NGND.GS.TS.BS Hoàng Tử Hùng cũng “truyền cảm hứng” bằng những câu chuyện về người thầy đang sống và dạy học trong môi trường công nghệ mới: AI, học máy, các phần mềm giáo dục… không chỉ thay đổi sân chơi của sinh viên mà cần thức tỉnh vai trò của giảng viên, tạo sự dịch chuyển về triết lý trong tiếp cận giảng dạy và tái định hình lớp học.

Nghiên cứu về sư phạm hiện đại cho thấy ngay cả khi công nghệ được dùng ngày càng nhiều trong lớp, người thầy vẫn và sẽ rất quan trọng. Thực tiễn trong 2 năm dạy học trong điều kiện COVID-19 đã phần nào chứng minh điều đó. Người thầy có nhiệm vụ truyền cảm hứng cho sinh viên, làm cho họ có đủ tự do và sáng tạo để lái con thuyền của họ trong sự thay đổi “khí hậu” của thời đại kỹ thuật số.

GS Hùng cho biết: “Tôi mong muốn nói đến khoa học Sức khỏe là nói đến Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Do đó, chúng ta cần có sự trao đổi liên ngành để thực hiện cuộc dịch chuyển chiến lược này. Trong thời đại công nghệ, vai trò giảng viên rất quan trọng, tạo ra nhiều triết lý trong quá trình giảng dạy và tôi muốn truyền nhiều cảm hứng cho thế hệ sinh viên trong tương lai để sinh viên tự tin sáng tạo tri thức”.

Gắn kết trường học và bệnh viện

Cũng trong buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đóng góp về tầm quan trọng của việc thực hành, thực tập của sinh viên khối ngành Sức khỏe mà quan trọng nhất là những giải pháp nâng cao chất lượng chương trình giảng dạy và học tập trên lâm sàng, liên tục đổi mới các chương trình đào tạo, nhất là các chương trình thực hành ngay tại bệnh viện, là nơi đội ngũ thầy thuốc tương lai sẽ dấn thân vì sự nghiệp sức khỏe người dân.

Theo BSCKII Nguyễn Đức Minh - Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM, học lý thuyết phải kết hợp thực hành bệnh viện. Học lý thuyết như một nền móng vững chắc để các sinh viên sau này ra trường cũng như những thế hệ sau có được kiến thức tốt hơn. Nền tảng kiến thức ngày nay cộng với khả năng tự học của các bạn trẻ, các thế hệ thầy thuốc tương lai sẽ giỏi hơn và giúp ích cho ngành Y tế.

PGS.TS. BS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất chia sẻ tại toạ đàm. Ảnh: HN

Còn PGS.TS. BS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất tâm tư khi cho rằng công tác đào tạo và thực tập cho sinh viên khối ngành Sức khỏe đang gặp rất nhiều khó khăn do chưa thể thực hiện được bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Do đó, trong hoàn cảnh hiện tại, đội ngũ thầy thuốc vừa phải giữ cho mình một sức khỏe tốt, vừa phải góp sức chăm sóc sức khỏe nhân dân và cần đặt ra nhiều tiêu chuẩn mới cho ngành Sức khỏe trong thời kỳ này.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu, TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh bộc bạch để phát triển đội ngũ y, bác sĩ tương lai, ông luôn mong muốn các sinh viên sẽ đến và thực hành tại bệnh viện để vững chắc tay nghề. Song song với điều đó, theo định hướng lâu dài của Bộ Y tế, các trường có khối ngành Sức khỏe nên có ngay cho mình một bệnh viện riêng, từ đó chất lượng sinh viên sẽ tăng dần.

Tại toạ đàm, các bệnh viện đều bày tỏ sự sẵn sàng đồng hành cùng nhà trường trong sứ mạng đào tạo nên các thế hệ y, bác sĩ đầy đủ chuyên môn và y đức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn