MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việt Nam chưa đào tạo được nhân lực logistics sát với thực tế. Ảnh minh họa: Thùy Trang

Đào tạo nhân lực logistics Việt Nam thiếu thực tế, chưa có tiêu chuẩn nghề

THÙY TRANG LDO | 15/07/2023 17:13

Mặc dù có tiềm năng phát triển lĩnh vực logistics nhưng để cạnh tranh với các nước khu vực, ông Trần Chí Dũng, Nhóm Phát triển bền vững và Chuyển đổi số thuộc Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN (AFFA) đánh giá, việc đào tạo nhân lực ở Việt Nam còn thiếu thực tế. Người học mất nhiều thời gian trong khi kinh nghiệm thì thiếu.

Đào tạo lý thuyết, thiếu thực hành lẫn thực tế

Bên lề Hội nghị giữa năm của Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN được tổ chức tại TP Đà Nẵng ngày 15.7, các chuyên gia đã cùng trao đổi về việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành logistics trong khu vực.

Với Việt Nam, khoảng 3, 4 năm trở lại đây, Việt Nam có vài chục trường đại học mở chuyên ngành logistics. Tuy nhiên, ông Trần Chí Dũng, Nhóm Phát triển bền vững và Chuyển đổi số thuộc Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN đánh giá, các giảng viên cũng chưa có nhiều kinh nghiệm và đa số chương trình đào tạo xây dựng tham khảo nhau và thiếu thực tế.

Trong khi ở ngành logistics, giữa thực tế và lý thuyết có sự khác nhau rất lớn, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển đổi số, những mô hình kinh doanh thay đổi liên tục.

Ông Trần Chí Dũng - Nhóm Phát triển bền vững và Chuyển đổi số thuộc Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN chia sẻ về việc đào tạo nhân lực. Ảnh: Thùy Trang

“Người học cần những phương tiện thực hành như máy móc, thiết bị làm thực tế ở ngoài xã hội. Những điều đó cần đưa vào trong chương trình đào tạo, hoặc là thậm chí đưa môi trường làm việc vào trong các trường, cơ sở đào tạo. Nếu không làm được như vậy thì chúng ta rất khó có thể khẳng định được là con người chúng ta có thể nhanh chóng phù hợp với yêu cầu bên ngoài” – ông Dũng trao đổi.

Vấn đề nguồn nhân lực có vai trò rất quan trọng để thúc đẩy bất kì ngành nghề gì, trong đó có logistics. Trong khi đó, hiện nay, Việt Nam đang có thuận lợi và cả thách thức phát triển lĩnh vực này. Cụ thể là các nhà đầu tư đổ về lĩnh vực này rất nhiều, các nước chuyển dịch chuỗi cung ứng nhưng đồng thời cũng đang xảy ra việc đứt gãy chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp xuống đơn hàng rất nhiều.

“Cách tốt nhất để nắm bắt cơ hội lúc này là chúng ta phải rút ngắn tối đa thời gian đào tạo lại và đưa các học sinh, sinh viên ngay từ năm đầu tiên vào trong môi trường làm việc luôn. Một thực tế nữa là với nghề logistic, ở nhóm lao động, chúng tôi không cần các bạn học đến lớp 11.

Ở Singapore, các bạn học đến lớp 10, sau đó học 10 + 1, 10 + 2, 10 + 3 (học nghề) là đi làm được rồi. Sau đó, người lao động thấy họ phù hợp với chuyên ngành hay muốn học thêm sâu ở đâu thì mới học tiếp, lấy thêm các bằng như cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Trong khi ở Việt Nam, học đại học 4 năm ra trường, sinh viên còn chưa có kinh nghiệm quá nhiều, quá lãng phí thời gian” – ông Dũng chia sẻ.

Cần tập trung xây dựng tiêu chuẩn nghề nghiệp

Không chỉ đào tạo thực tế, thực hành ngay từ đầu mà Việt Nam còn cần phải xây dựng tiêu chuẩn nghề nghiệp trong ngành logistics. Tức là nhu cầu ngoài xã hội đang cần cái gì, sau đó các trường điều chỉnh chương trình đào tạo theo.

Việt Nam đang xây dựng tiêu chuẩn nghề nghiệp nhưng còn rất chậm và Việt Nam không thể tự nói đào tạo tốt nếu không theo tiêu chuẩn nào. Ví dụ như Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN nói rằng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế và thực tế đã đào tạo 50 giáo viên đầu tiên nòng cốt của ASEAN từ năm 2014.

“Chúng tôi rất mong rằng chương trình đó được nhân rộng nhưng dù hoàn toàn miễn phí, các trường có vẻ cũng không mặn mà. Nhiều trường cứ chạy theo chuẩn đánh giá của hệ thống giáo dục đào tạo, chứ không phải đánh giá thực chất một chương trình đào tạo có phù hợp với môi trường bên ngoài hay không. Điều này tương tự như việc chúng ta không biết tiêu chuẩn đầu ra sản phẩm là gì, thì không thể nào sản xuất sản phẩm tốt được, mà đào tạo con người thì khó khăn hơn nhiều” – chuyên gia của Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn