MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.Tiến sĩ Nguyễn Văn Dững- nguyên trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí Tuyên truyền

Đào tạo tiến sĩ hôm nay phải nghĩ đến thế hệ mai sau

PGS.TS Nguyễn Văn Dững LDO | 21/07/2021 12:01
Tiếp tục những tranh luận về quy chế mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với việc đào tạo Tiến sĩ (gọi tắt là Quy chế 2021), Báo Lao Động xin giới thiệu bài viết của PGS.Tiến sĩ Nguyễn Văn Dững - nguyên Trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí Tuyên truyền nhằm góp phần làm rõ vấn đề và tạo thêm kênh tranh luận mang tính khoa học về vấn đề này.

Mấy hôm nay, tôi đã đọc hầu hết các ý kiến các nhà khoa học, quản lý trao đổi xung quanh chuẩn đầu vào, đầu ra trong đào tạo Tiến sĩ của Quy chế 2021.

Tôi vừa vui, vừa buồn. Vui vì chúng ta đã nhận thấy vấn đề và khá kịp thời trong điều chỉnh; buồn là vì điều chỉnh quá nhanh. Thông tư này ra đời trong bối cảnh chưa có tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Quy chế 2017 một cách rạch ròi, lại nhanh chóng, kịp thời hạ chuẩn ngay và luôn.

Các ý kiến thiên về 2 hướng:

Một là ủng hộ Thông tư mới, nới lỏng đến mức hạ chuẩn đầu vào và đầu ra cho cả nguyên cứu sinh (NCS) và người hướng dẫn khoa học. Lý do là Việt Nam có những đặc thù trong phát triển, mà KHXH&NV khó công bố khoa học trên tạp chí nước ngoài.

Hai là phản đối, cho rằng Quy chế 2021 là sự tháo khoán, là hạ chuẩn và đó là nguy cơ hiện hữu làm cho chất lượng đào tạo Tiến sĩ (TS) ngày càng kém chất lượng và hệ quả lâu dài cho sự phát triển bền vững, không chỉ đối với khoa học mà tác động tiêu cực đến phát triển KT-XH.

Cả hai luồng ý kiến, đọc qua đều thấy có lý của nó. Nhưng ….

Quan điểm của tôi

Đào tạo TS là đào tạo chuyên gia bậc cao, không chỉ đối với sự nghiệp phát triển khoa học, mà trực tiếp tác động đến chất lượng phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Vậy nên, chuẩn đầu vào, đầu ra cho cả trò và thầy không những không nên hạ thấp, mà ngày càng nên nâng cao lên. Có như vậy, mới có được thế hệ các nhà khoa học thực sự giúp đất nước vươn ra biển lớn.

Trong khoa học mà cứ tuyệt đối hoá “tính đặc thù” thì đó là cách tự giam hãm mình trong ao làng, ngày càng tụt hậu thì làm sao hội nhập với thế giới?

“Chuẩn đầu vào, đầu ra trong đào tạo Tiến sĩ không những không nên hạ thấp, mà ngày càng nên nâng cao lên”

Về luồng hạ chuẩn đầu vào, đầu ra

Có lẽ cũng nên thống nhất rằng, đào tạo TS là đào tạo các nhà khoa học tương lai, chuyên gia bậc cao, chứ không phải để “dán tên” và làm việc khác. Do vậy, đối tượng dự tuyển là người có tâm chí cho nghiên cứu khoa học và nguyện đi vào con đường đầy chông gai này.

NCS phải chuẩn bị tâm thế và quỹ thời gian, nguồn lực trí tuệ và cảm xúc cho chặng đường mới, chứ không phải làm xong luận án, bảo vệ xong thì... để đấy.

Cái được của Quy chế 22017 là giúp cho cả thầy và trò từng bước nâng cao chuẩn đầu ra của đào tạo TS, do đó từng bước chúng ta có thế hệ các TS bảo đảm chất lượng để “thi đấu” với nước ngoài.

Tuy nhiên, về chuẩn đầu vào, đầu ra của NCS có thể điều chỉnh được, có thể như sau:

Thay vì có 1 công bố trên tạp chí ISI/scopus thì có thể công bố trên các tạp chí khoa học Top 200 hay top 300 các trường ĐH, nhà xuất bản uy tín, phù hợp chuyên ngành đào tạo. Bởi thực tế tạp chí ISI/scopus cũng chỉ là quy định của phương Tây; trong khi các tạp chí khu vực và top 300 các trường ĐH cũng sẽ bảo đảm chất lượng và tạo dư địa cho các NCS,... và phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu, như văn hoá, ngôn ngữ...

Về quy định này, Quy chế 2017 cũng đã mở lối cho các công bố trong các hội thảo KH quốc tế, đăng kỷ yếu có phản biện. Tôi nghĩ đó là lối mở tốt, không khó khăn lắm cho NCS.

Về người hướng dẫn khoa học

Cũng cần có công bố quốc tế, vì nếu thầy có công bố quốc tế, thì biết được bài báo quốc tế nó cần những tiêu chí như nào; nếu không, làm sao hướng dẫn cho NCS?

Bởi có những nhà khoa học, sau khi đạt được những thành quả nghiên cứu và nhất là đã có danh, thì thậm chí dăm năm nay không có công bố công trình nào cả, trong khi vẫn chủ trì các Hội đồng. Có nên kéo dài như vậy không?

Ở phương Tây, nhà khoa học mà trong 2 năm không có công bố, thì người ta hỏi nhau, ông ấy có còn sống hay không?

Về luồng ý kiến thứ nhất

Đã có nhiều bằng chứng cho thấy trước 2017, đào tạo NCS có nơi thậm chí còn nhanh, nhiều hơn đào tạo ThS. Nhưng Quy chế 2017 đã kịp “ngắt” lại, tránh hậu hoạ về sau, …

Có ý kiến cho rằng trong KHXH&NV, do có đặc thù mô hình phát triển Việt Nam nên khó công bố, sợ “vạch áo cho người xem lưng”. Thiết nghĩ, quan niệm này quá ít hàm lượng khoa học nhưng lại thể hiện rõ tính bao biện. Vì trong thực tế, đề tài NCS nào cần bảo vệ theo chế độ mật, thì đã có quy định rồi.

“Nếu chỉ vì lợi ích nhóm hay lợi ích cá nhân, thì khi giáo dục xuống cấp, mà trước hết là đào tạo Tiến sĩ, thì đất nước làm sao phát triển bền vững, làm sao hội hội nhập hay ra biển lớn”

Còn cái khó trong lĩnh vực KHXH&NV ít công bố chủ yếu là do bài báo khoa học chưa đáp ứng chuẩn quốc tế. Nói rõ ở đây, chủ yếu do phương pháp nghiên cứu chưa đáp ứng yêu cầu khoa học.

Đã là bài báo khoa học thì phải có khung lý thuyết nghiên cứu và nhất là hệ dữ liệu khoa học có độ tin cậy; mà hệ dữ liệu tin cậy thì phải được thu thập bởi những phương pháp nghiên cứu tin cậy (từ chọn mẫu đến phương pháp thu thập, …). Trong khi đó, chúng ta quen “luận” theo kiểu giải thích hay minh hoạ, mà thiếu đi hệ dữ liệu và phương pháp nghiên cứu khoa học – điều mà GS Phạm Tất Dong đã đề cập. Do thiếu cái này, tức là thiếu khảo sát thực tế nghiêm túc, cho nên các kiến giải đều chung chung, lấy ở đâu ra cũng được.

Vì khảo sát nghiêm túc thì tốn tiền, trong khi các đề tài nghiên cứu khoa học chi cho khâu này rất rẻ mạt, theo quy định tài chính.

TS Nguyễn Văn Dững và một tác phẩm rất có giá trị trong đào tạo sinh viên của ông.

Đảng và Nhà nước cần phản biện khoa học là cần như vậy, trên cơ sở hệ dữ liệu điều tra nghiêm túc, đủ căn cứ -bằng chứng, để góp phần xây dựng cơ sở khoa học-thực tiễn cho kiến tạo chính sách công.

Nhưng không ít đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước thấy rất rõ điều này; do đó nghiệm thu xong là …cho vào ngăn kéo.

Thông tư mới mở ra để đào tạo nhiều TS hơn nữa, cả về quy mô, tốc độ, số lượng để làm gì trong khi năng lực và điều kiện hạn hẹp? Có cần kíp đến thế không?

Về luồng ý kiến thứ hai

Tôi thiên về ủng hộ luồng ý kiến thứ 2, nhưng như trên đã nói, nên mở ra không chỉ có tạp chí ISI/scopus, mà cả tạp chí các ĐH, các NXB top 200, thậm chí top 300, tạp chí khu vực, như Đông nam Á, Đông Bắc Á, ....

Đề xuất này từ 2016 đã được Quỹ phát triển KH&CN QG chấp thuận cho các ứng viên; tuy nhiên, cần thẩm định chuẩn tạp chí chứ không phải loại tạp chí trôi nổi.

Bởi nếu không bảo đảm chất lượng đào tạo sau đại học, mà chạy theo số lượng, thì làm sao bảo đảm chất lượng đào tạo ĐH và nền giáo dục nói chung?

Về vấn đề này, nên đọc tham khảo cuốn Khuyến học của nhà tư tưởng, nhà giáo dục Nhật Bản Fukuzawa Yukichi. Bởi chỉ có khi, mỗi người đi học và người làm giáo dục tự chỉ trích mình, thì GD mới dần trở thành nhân tố thật sự là nền tảng phát triển bền vững cho quốc gia. Còn nếu chỉ vì lợi ích nhóm hay lợi ích cá nhân, thì khi giáo dục xuống cấp, mà trước hết là đào tạo TS, thì đất nước làm sao phát triển bền vững, làm sao hội hội nhập hay ra biển lớn.

Về khoa học, làm gì cho hôm nay, cũng nên nghĩ đến các thế hệ mai sau, con cháu chúng ta "nhìn" vào hiện tại thế nào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn