MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bằng cấp tiến sĩ phải thực học, xứng tầm. Ảnh: Huyên Nguyễn

Đào tạo tiến sĩ: Không để đánh mất niềm tin, trách nhiệm với khoa học và XH

Huyên Nguyễn LDO | 28/11/2022 06:44

Nhiều đề tài luận án tiến sĩ được công bố nhưng nghiên cứu trên quy mô hẹp, hàm lượng khoa học ít, không có nhiều tính ứng dụng, ít đóng góp cho khoa học, xã hội; có luận án chỉ tương đương với báo cáo, tham luận hoặc cùng lắm là luận văn thạc sĩ. Điều này khiến dư luận lo ngại về chất lượng đào tạo, dễ dãi trong đánh giá sẽ dẫn đến tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, làm suy giảm nền học thuật Việt Nam. 

Không xứng tầm

Dư luận cuối tuần qua thêm một phen thảng thốt với đề tài luận án "Nghiên cứu lựa chọn biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động câu lạc bộ cầu lông Đại học Sư phạm Hà Nội 2" của nghiên cứu sinh ngành Giáo dục học tại Viện Khoa học Thể dục Thể thao (thuộc Tổng cục Thể dục Thể thao).

Trước đó, đã có một đề tài luận án về cầu lông mang tên "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" cũng đã được thông qua ở viện này từng gây xôn xao dư luận. Sau đó, Hội đồng thẩm định độc lập của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã đánh giá không đạt, nghiên cứu sinh phải làm lại, bảo vệ lại.

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) - cho rằng, nhiều đề tài không xứng tầm TS, không liên quan đến ngành Giáo dục - Sư phạm và không có ý nghĩa về mặt khoa học.

Ví như luận án nghiên cứu câu lạc bộ cầu lông chỉ tại Đại học Sư phạm Hà Nội 2, vậy liệu nó có thể ứng dụng vào những môi trường học khác hay không? Không thể cứ nghiên cứu câu lạc bộ ở trường đại học thì cho rằng đó là thuộc ngành giáo dục học được - TS Hoàng Ngọc Vinh phân tích.

Dẫn chứng đề tài nghiên cứu về cầu lông, TS Vinh cho hay, từ trước đến nay có rất nhiều đề tài hay nghiên cứu về cầu lông, có thể lấy ví dụ như đề tài TS về “So sánh chỉ số thông minh và chỉ số phát triển đối với bộ môn cầu lông ở Trung Quốc và ở Anh”. Những đề tài này tập trung nghiên cứu về việc môn cầu lông ảnh hưởng đến các yếu tố về thể chất, trí tuệ. Trong trường hợp nghiên cứu sinh thực hiện đề tài liên quan đến cầu lông trong môi trường sư phạm, ông Vinh cho biết, luận án cần nêu bật được phương pháp/chương trình dạy môn này, đồng thời đo lường, đánh giá và chỉ ra tác động của phương pháp dạy học đến tâm sinh lý người học trong tiết học cầu lông.

Theo khảo sát, hầu hết các đề tài ở viện này chỉ khảo sát một địa phương, một khía cạnh rất nhỏ trong các bộ môn thể thao. Đáng chú ý, không phải đến luận án TS cầu lông như trên mới khiến dư luận băn khoăn bởi nhiều năm nay, giới nghiên cứu đã râm ran về các luận án TS không xứng tầm.

Trách nhiệm người hướng dẫn

Đánh giá về tình trạng trên, GS Nguyễn Ngọc Châu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - nhận định, những đề tài tương tự như luận án cầu lông mà dư luận xôn xao thời gian qua không phải là một dạng chủ đề để nghiên cứu của một luận án TS.

Theo ông Châu, trách nhiệm trước hết là do người hướng dẫn, sau đó đến hội đồng xét duyệt đã không chuyên nghiệp nên mới có thể cho qua những luận án như vậy. Một lý do khác vì các cơ sở mong muốn có nhiều nghiên cứu sinh, lấy số lượng mà quên đi chất lượng.

GS Ngọc Châu cho rằng, thời gian qua đã có những lãnh đạo bị kỷ luật cách chức có liên quan tới sai phạm trong đào tạo sau đại học sẽ là bài học để các đơn vị đang đào tạo không bài bản, không chuẩn mực cần xem lại chính mình.

Vị GS cũng thẳng thắn rằng, trong số những người làm luận án TS có nhiều người chỉ học để có tấm bằng, để thăng quan tiến chức chứ không phải để làm nghiên cứu nên dẫn đến chất lượng chưa hiệu quả.

Đồng quan điểm, TS Hoàng Ngọc Vinh cũng chỉ rõ về trách nhiệm và chất lượng của người hướng dẫn. Ông đề xuất cần một chiến lược đào tạo TS bài bản, tránh tình trạng “vơ bèo gạt tép” như hiện nay. Với các đơn vị có sai phạm, Bộ GDĐT cần mạnh tay xử lý và kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy định.

Nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng

PGS-TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) nhấn mạnh: “Đối với việc đào tạo TS, là bậc học cao nhất trong hệ thống, là đào tạo nhân lực có trình độ cao, vì vậy các cơ sở đào tạo phải tập trung: Nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng. Chú trọng đến việc công khai minh bạch quy trình lựa chọn và giao đề tài luận án cho nghiên cứu sinh. Các hội đồng xét duyệt và người hướng dẫn cần nghiêm túc, nghiêm minh, không duyệt những tên đề tài có phạm vi quá hẹp, không đủ tầm của một luận án TS, gây dư luận xã hội như đang được lan truyền, đặc biệt là đối với những luận án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và quản lý”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn