MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đau đầu bảo vệ con trước nguy cơ tiêu cực từ mạng xã hội

Phùng Nhung LDO | 02/03/2023 12:48

Không ít phụ huynh đang đau đầu tìm lời giải cho bài toán “Làm thế nào để bảo vệ con trước nguy cơ tiêu cực từ mạng xã hội?”. Theo chuyên gia, các bậc phụ huynh phải thấu hiểu nhu cầu, sự tò mò và khao khát thông tin của con, từ đó đồng hành, chia sẻ với con như những người bạn.

“Sốc” khi phát hiện đoạn chat của con

Do trẻ cần điện thoại để truy cập vào mạng phục vụ cho việc học tập, chị Thanh Thoa (42 tuổi, Vĩnh Phúc) – phụ huynh có con học lớp 9 để con tự do sử dụng điện thoại. Theo chia sẻ, chị cũng thoải mái trong việc cho các con dùng mạng xã hội bởi chỉ nghĩ đơn thuần con vào với mục đích lành mạnh. Nhưng trong một lần vô tình đọc được nội dung đoạn chat của con với các bạn trong nhóm kín, chị như "chết sững".

“Câu chuyện xoay quanh việc nói xấu một số bạn trong lớp và bàn tán chuyện yêu đương, tình dục. Tôi rất sốc bởi con bình thường ít nói và được thầy cô, hàng xóm nhận xét là ngoan. Tôi cảm thấy mình đã chủ quan và bỏ bê việc sử dụng mạng xã hội của con, hiện giờ rất lo lắng không biết nói chuyện với con như thế nào” – chị Thoa hoang mang.

Còn chị Kim Dung (35 tuổi, Hà Nội) – phụ huynh có con học lớp 8 kể lại, con đã tiếp cận với mạng xã hội trong suốt những năm học online do COVID-19 đến nay. Kể từ đó con tập tành chơi game và hình thành thói quen xấu là nói dối.

"Con thường nói mượn điện thoại của mẹ để học nhưng thực chất là chơi game. Khi bố mẹ vào kiểm tra thì con chăm chú nhưng chỉ vừa ra ngoài thì lập tức chuyển sang ứng dụng game. Khi phát hiện mọi chuyện tôi đã rất tức giận và cấm con dùng điện thoại" - chị Dung kể.

Hãy chia sẻ với con như những người bạn

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Lê Khanh – Giám đốc chuyên môn Trung tâm tâm lý giáo dục trẻ đặc biệt Diệp Quang (An Giang) cho rằng, hiện nay có nhiều trẻ em tiếp xúc với mạng xã hội quá sớm mà không nhận thức được giá trị của việc này. 

Chính phụ huynh cũng không bận tâm, thậm chí không cảm nhận được những nguy hại từ thông tin tiêu cực. Nhưng khi có chuyện xảy ra, nhiều ông bố bà mẹ ngay lập tức yêu cầu con ngừng sử dụng, ngăn cấm, tịch thu điện thoại và không cho tiếp xúc với mạng xã hội…

Cha mẹ cần đồng hành, chia sẻ với con như những người bạn. Ảnh: Hà Phương

Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, điều này sẽ gây ra tác dụng ngược, nhiều trẻ có xu hướng bộc phát hành vi ngỗ ngược, chống đối, không giao tiếp, lén lút sử dụng, nói dối…

Vì vậy, để bảo vệ con trước mạng xã hội, chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên - bố mẹ không nên cấm đoán, bỏ mặc, áp đặt mà cần đồng hành cùng con như những người bạn. Hãy tìm hiểu nhu cầu, tò mò, khao khát thông tin của đứa trẻ, từ đó cùng con xem, nghe, phân tích, góp ý, điều chỉnh từ từ để các con nhìn nhận ra mặt lợi, hại của vấn đề. 

“Bố mẹ cố gắng hạn chế cho con tiếp xúc với các thiết bị điện tử, mạng xã hội. Khi cho trẻ tiếp xúc thì phải có sự giám sát, quản lý để kiểm soát được thông tin. Bên cạnh đó cần chọn lọc nội dung cho con tiếp nhận như thông tin mang tính chất vui vẻ, kích thích trí tưởng tượng, những thông tin tiêu cực thì bố mẹ giải thích và hướng dẫn con bỏ qua, chuyển sang một kênh khác hữu ích hơn” – chuyên gia tâm lý Lê Khanh nói.

Đặc biệt, thay vì để con có thời gian rảnh sử dụng điện thoại, bố mẹ hãy tăng cường các hoạt động khác như vui chơi, giải trí, trải nghiệm cùng con. Tập cho trẻ nhận biết những giá trị tốt xấu qua các hoạt động chơi, tương tác, trò chuyện để đứa trẻ biết cách từ chối tiếp nhận thông tin tiêu cực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn