MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Liên tiếp các vụ bạo lực học đường, thầy cô cho rằng, giáo dục cần tình yêu thương. Ảnh: Vân Trang

Đầu năm học lại nóng chuyện bạo lực học đường

Vân Trang LDO | 05/10/2023 19:00

Mới bắt đầu năm học được khoảng 1 tháng, đã xuất hiện nhiều vụ bạo lực học đường, gây xôn xao dư luận. Điều này đặt ra vấn đề với giáo viên về hành vi ứng xử, giáo dục học trò.

Báo động vấn nạn bạo lực học đường

Ngày 29.9, một sự việc đáng tiếc đã xảy ra tại Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội). Giáo viên yêu cầu Bí thư Đoàn của lớp phải đứng ngoài cửa vì mua bánh liên hoan không đúng yêu cầu. Em này quỳ khóc và cô giáo kéo vào lớp. Dư luận phẫn nộ khi những hình ảnh này được đưa lên mạng.

Cô giáo này đã bị tạm đình chỉ công tác và sẽ bị xử lí khi có kết luận của cơ quan chức năng.

Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) - nơi xảy ra vụ giáo viên túm cổ áo học sinh gây xôn xao dư luận. Ảnh: Hải Đăng

Đây không phải là vụ bạo lực học đường duy nhất diễn ra. Mới đây nhất, ngày 2.10, trên mạng xã hội xôn xao về một clip một bé gái bị cô giáo tại một ngôi trường tư thục trên địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội bạo hành.

Theo đó, nội dung clip ghi lại cảnh cô giáo liên tiếp tát vào mặt, bóp má và có hành động doạ nạt cháu bé. Thời điểm xảy ra vụ việc, có một cô giáo khác ngồi bên cạnh. Tuy nhiên, giáo viên này không hề can thiệp ngăn chặn việc bạo hành nói trên mà làm ngơ như không có chuyện gì xảy ra.

Ông Hoàng Việt Cường - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Gia Lâm cho biết, đơn vị đã vào cuộc, kiểm tra và xác định, nhóm trẻ mầm non tư thục hoạt động tự phát và không có giấy phép hoạt động. Đoàn kiểm tra ngay sau đó đã lập biên bản, yêu cầu đóng cửa nhóm trẻ tư thục và xem xét xử phạt theo quy định.

Giáo dục cần phải có tình yêu thương

Sau mỗi vụ việc, mặc dù ngành giáo dục đã có động thái vào cuộc quyết liệt, xử lí nghiêm những thầy cô, trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo, có hành động chưa chuẩn mực, song, những vụ bạo lực vẫn tiếp diễn, làm dư luận xã hội nhức nhối, làm xấu đi hình ảnh người thầy.

Với 37 năm công tác trong ngành giáo dục, thầy Nguyễn Văn Lực, giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Khánh Hoà nói rằng, không ít lần giáo viên gặp phải tình huống khó xử khi học sinh vi phạm nội quy nhà trường như: Nói tục, chửi thề, đánh nhau, vẽ viết bậy lên bàn ghế, tường, thậm chí là trêu chọc giáo viên...

"Nhiều em vô lễ, “cứng đầu”, nhưng tôi luôn tự nhủ phải lấy tình thương để cảm hóa các em bởi chỉ có điều gì xuất phát từ trái tim mới đến được với trái tim" - thầy Lực nói.

Giáo viên này cho rằng, điều quan trọng là thầy cô có biện pháp giáo dục mang tính nhân văn sư phạm và có hiệu quả khi học sinh vi phạm, chứ không phải dùng biện pháp bạo lực để xử lí.

"Là đồng nghiệp, tôi thấu hiểu được sự bức xúc nóng vội của cô giáo dẫn đến hậu quả đầy tai tiếng đối với bản thân và cho ngành giáo dục. Nếu như cô biết kìm chế cảm xúc, xử lý tình huống với học sinh một cách vị tha khoan dung, chắc hậu quả không xảy ra. Đó mới chính là bài học cần dạy, chứ không phải dùng hình phạt, hành vi để làm nhục hình học sinh" - thầy Lực nói.

Tại tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học sáng 5.10, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương nhấn mạnh thông điệp “Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”. Trong đó, ông cho rằng, cần đưa chữ “tình thương” lên trên cùng.

Ông Cương cho rằng, nhà giáo phải luôn yêu thương học trò. Học trò vi phạm quy chế, có hành vi sai trái, cần xử phạt, nhưng ở tình huống nào, hình thức nào cũng cần tạo sự răn đe, nhân văn vì đây là môi trường giáo dục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn