MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường THCS Văn Phú, Tuyên Quang - nơi xảy ra sự việc nữ giáo viên dạy nhạc bị học sinh dồn vào góc lớp, lăng mạ. Ảnh: Việt Bắc

Đau xót khi giáo viên trở thành nạn nhân của bạo lực học đường

Hà Quyên LDO | 08/12/2023 06:56

Mới đây, một nhóm học sinh lớp 7 ở Tuyên Quang đã cùng dồn ép cô giáo vào góc lớp, ném dép vào người cô gây rúng động xã hội.

Đâu rồi khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”?

Mới đây, mạng xã hội lan truyền video gần hai phút, ghi lại hình ảnh một nhóm học sinh lớp 7C, Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, nhốt cô giáo Âm nhạc trong lớp, chửi bới, ném đồ vào người cô. Thậm chí, những học sinh này cầm gậy và quạt, chỉ vào mặt, tìm cách giật điện thoại cô giáo cầm trên tay.

Trong một video gần 5 phút khác, nhóm học sinh chửi tục rất nhiều, nhét rác vào cặp của cô giáo. Khi cô giáo từ bục giảng đi về phía cửa lớp, nhóm học sinh ném giấy và dép. Còn một đoạn video dài hơn một phút khác, cô giáo cầm giày vung loạn xạ để tự vệ.

Theo báo cáo của UBND huyện Sơn Dương, sự việc diễn ra lúc 10h30 sáng 29.11. Khi bắt đầu tiết Âm nhạc ở lớp 7C, một số học sinh xin ra ngoài nhưng giáo viên không đồng ý. Sau đó, giữa giáo viên và học sinh “xảy ra khúc mắc”. Hết tiết học, cô giáo chuyển sang dạy lớp 6A thì một số học sinh lớp 7C đi sang, nói tục, xúc phạm cô giáo, quay video đăng lên Facebook.

Nêu quan điểm về vụ việc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định, vụ việc cho thấy "mức độ nghiêm trọng và không thể chấp nhận được". Do đó bộ đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo sở, nhà trường làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan.

Liên quan sự việc, ông Trần Duy Sáng - Hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú, Tuyên Quang - đã bị tạm đình chỉ công tác.

Cô giáo bất lực khi học sinh tấn công. Ảnh cắt từ clip

Nghiêm trọng, không chấp nhận được

Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) - khẳng định, đây là hành vi vô lễ, không được phép đối với những người làm nghề giáo. Điều này càng khó chấp nhận khi các em học sinh ở độ tuổi còn rất nhỏ. Sự việc càng đáng báo động khi không chỉ 1-2 cá nhân học sinh có hành vi tấn công cô giáo, mà là một nhóm học sinh cùng có hành vi này. Không một học sinh hay lãnh đạo nhà trường đứng ra can ngăn sự việc.

Chung quan điểm, TS Vũ Việt Anh - chuyên gia tâm lý giáo dục - nhận định, đây là dấu hiệu cho thấy việc học sinh đang bị xuống cấp đạo đức trầm trọng, gây bức xúc và phẫn nộ trong dư luận.

Bày tỏ sự đau xót, chuyên gia Hồ Lâm Giang - Trưởng ban Cố vấn giáo dục Happy Teen - nói, từ trước tới nay, nghĩ đến bạo hành, thường nạn nhân là những người yếu thế, chứ ít khi có trường hợp học sinh lại bạo hành ngược lại thầy cô. Đây là tiếng chuông cảnh báo về đạo đức xã hội xuống cấp.

PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) - khẳng định: “Việc học trò hành hung giáo viên không thể chấp nhận được”.

Không để giáo viên cô độc

Nhiều người cho rằng, sự bất lực, cô đơn của cô mới thực sự đáng buồn. Câu hỏi đặt ra là trong lúc này, nhà trường, đồng nghiệp ở đâu để giáo viên cô đơn chống lại bạo lực như vậy?
Thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V.Lô-mô-nô-xốp (Hà Nội) - nhận định, khi các tình huống vượt ra ngoài tầm kiểm soát, điện thoại có trong tay mà cô cũng không thể gọi cho ai trong Ban Giám hiệu nhà trường, cho Chủ tịch Công đoàn trường để được hỗ trợ. Nếu được hỗ trợ, các tình huống đã không đi xa đến như vậy.

“Nhìn vẻ mặt của cô mới thấy sự bất lực, chán nản đến tột cùng và sự cô đơn đến cùng cực" - thầy Tùng nói.

Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở & Trung học Phổ thông Lương Thế Vinh, nếu một ngôi trường có nền nếp, kỷ cương, liệu rằng học sinh có dám hành động như vậy?

Cái tát mạnh vào tất cả chúng ta

Vụ việc tại Trường THCS ở tỉnh Tuyên Quang chính là một hồi chuông báo động về tình trạng suy thoái đạo đức trong một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Hôm nay, những đứa trẻ mới chỉ 11-12 tuổi đã biết xúc phạm, động chân tay với giáo viên của mình, sau này, các em có thể làm gì hơn nếu không được uốn nắn ngay lập tức.

Lúc đó, hậu quả không chỉ dừng lại ở việc gây phẫn nộ cho xã hội hay việc gây trầm cảm cho cô giáo - là nạn nhân bị bạo lực học đường của các em. Gia đình, nhà trường, xã hội không làm tốt thì sẽ làm hỏng một con người, một thế hệ.

Sự việc dường như là một cú tát vào chúng ta và không ai vô can trong câu chuyện này. Đây không còn là chuyện của Tuyên Quang, của các em học sinh, nhà trường, giáo viên, gia đình đó mà là của cả xã hội. Chúng ta cần hành động để những câu chuyện đau lòng này sẽ không tiếp diễn.

Theo các chuyên gia giáo dục, cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường khi để xảy ra những chuyện đau lòng như vậy và xử lý thật nghiêm. Đồng thời xử lý cả các học sinh vi phạm.

9h ngày 8.12, Báo Lao Động tổ chức toạ đàm trực tuyến với chủ đề "Khi giáo viên là nạn nhân của bạo lực học đường: "Tại sao tinh thần tôn sư trọng đạo bị phai nhạt?" nhằm trao đổi, thảo luận, để có cái nhìn đa chiều về cách ứng xử, mối quan hệ giữa thầy cô, học sinh và phụ huynh trong thời đại hiện nay.

Từ đó, có những giải pháp nhằm ngăn chặn các hành vi ứng xử phản giáo dục trong môi trường học đường, để không còn những cái ném dép như vụ việc xảy ra ở Tuyên Quang. Chương trình tọa đàm sẽ được phát sóng trực tiếp trên Báo Lao Động điện tử (laodong.vn), fanpage Báo Lao Động, Cổng thông tin Điện tử Chính phủ (chinhphu.vn).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn