MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với học sinh THPT, THCS có thể dễ dàng tham gia lớp học trực tuyến, nhưng để triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh tiểu học, nhất là khối 1, 2 là điều không dễ. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.

Dạy học online: “Cô ơi, con bị văng ra rồi”

Bích Hà LDO | 06/04/2020 20:14

Bắt đầu từ 6.4, nhiều trường công lập ở Hà Nội triển khai việc dạy học online cho học sinh, để phấn đấu thực hiện mục tiêu 100% trường học trên địa bàn thủ đô tổ chức dạy học trực tuyến. Trong những buổi học đầu tiên này, nhiều tình huống đã phát sinh, khiến cả giáo viên, phụ huynh đều lúng túng.

Học sinh ra- vô liên tục

Từ 2 ngày trước, giáo viên các trường học ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã gửi thông báo đến phụ huynh của trường về việc từ đầu tuần này sẽ tổ chức dạy học online cho học sinh. Hơn 2 tháng học sinh tạm nghỉ để phòng dịch, nhà trường vẫn duy trì việc ôn tập kiến thức bằng cách gửi bài tập qua thư điện tử, nhưng lần này là tổ chức lớp học trực tuyến bài mới và có kiểm tra, đánh giá.

Ngay khi vừa nghe thông tin này, phụ huynh có phản ứng khác nhau. Chị Thu Trang (phụ huynh có con học lớp 2 Trường Tiểu học Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, những giờ qua, trên các nhóm do phụ huynh của trường lập ra, các cha mẹ bàn luận sôi nổi, băn khoăn, lo ngại. 

Lý do được phụ huynh đưa ra là nhà không có máy tính, học trên điện thoại nhưng đa số điện thoại màn hình nhỏ, rất khó quan sát những bài giảng của giáo viên. Rồi mạng kém, hay đã gửi con về quê để tránh dịch…

Nhưng cuối cùng, sau những ngày chuẩn bị, lớp học qua ứng dụng Zoom của lớp con chị Trang cũng diễn ra vào ngày 6.4. Lớp học diễn ra sôi nổi theo cách cả phụ huynh và giáo viên đều không mong muốn. Các học sinh rất hân hoan khi gặp lại nhau, cười nói rôm rả. Phụ huynh cũng tò mò về hình thức học này, đứng cạnh màn hình của con xì xào, cười nói. Giáo viên cũng  lúng túng sau vài buổi tập huấn sử dụng công nghệ dạy học trực tuyến. Vì thế mà lớp học trở nên ồn ào hơn mức cần thiết, không ai nghe rõ ai nói gì.

“Cô giáo phải mất hơn 30 phút để ổn định lớp học. Đến khi tiết học bắt đầu thì trên nhóm Zalo của lớp, phụ huynh lại liên tục nhắn "Cô ơi, tại sao con bị văng ra rồi"; “Con Bảo Trang không vào được nữa, cô ơi”; "Bây giờ con phải làm sao?"… Do mạng yếu nên các con đang học thì bị out ra, nên lớp học liên tục bị gián đoạn”- chị Trang chia sẻ.

Đây cũng là thực tế của nhiều lớp học trực tuyến tại các trường ngoại thành Hà Nội. Cả học sinh, giáo viên, phụ huynh mới dừng ở việc làm quen với hình thức học tập mới, nên hiệu quả chưa cao.

Để tiết học trực tuyến có hiệu quả phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố từ công nghệ, chất lượng mạng, khả năng của giáo viên...

Khó đảm bảo 100% học sinh tham gia

Không chỉ ở khu vực ngoại thành, mà ở các quận như Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm (Hà Nội)… việc triển khai dạy học trực tuyến, đặc biệt ở các trường tiểu học cũng có những khó khăn, do ý thức tự học của học sinh chưa cao.

Quận Cầu Giấy chính thức triển khai cho học sinh toàn quận học trực tuyến bắt đầu từ 30.3. Các trường được yêu cầu bồi dưỡng kiến thức tổng hợp theo từng môn, bắt đầu từ tuần 21 theo chương trình Bộ GDĐT ban hành. Tuy nhiên, khó khăn nhất là các trường tiểu học khi triển khai dạy trực tuyến cho học sinh khối 1, 2. 

Ý thức tự giác học tập của học sinh chưa tốt nên khi tổ chức dạy học đủ các môn như thời khóa biểu, bắt buộc phụ huynh phải ngồi học cùng. Nhiều phụ huynh “trở tay không kịp” trong việc vừa sắp xếp công việc, vừa phải ngồi kèm con học trực tuyến.  Cũng vì khó sắp xếp thời gian, nên không phải lớp học trực tuyến nào cũng có đầy đủ học sinh tham gia.

Là một trong những trường công lập ở Hà Nội sớm triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh, cô Nguyễn Thị Lý - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thừa nhận việc dạy học online có một số hạn chế.

Hiện có khoảng 2-5% trên tổng số học sinh của trường không tham gia lớp học trực tuyến với các lý do: Phụ huynh cho các con về quê tránh dịch, chất lượng đường truyền không tốt, điện thoại của con cùi bắp, không có máy tính. Vấn đề đặt ra là làm sao đảm bảo quyền lợi cho tất cả học sinh?

“Chúng tôi đưa ra giải pháp là những học sinh nào không có điều kiện học trực tuyến, chúng tôi sẽ ghi âm, ghi hình bài giảng để các con có thể học ngoài giờ, học vào buổi tối khi bố mẹ đi làm về” – cô Lý cho biết.

Còn theo một lãnh đạo Phòng GDĐT quận Cầu Giấy, nếu học sinh nào không thể tham gia các lớp học trực tuyến thì giáo viên cần có giải pháp khác như gửi bài tập qua mail để hướng dẫn học sinh. Sau khi học sinh trở lại trường, sẽ dành thời gian để hệ thống, ôn luyện lại kiến thức, đảm bảo học tất cả học sinh đều được trang bị đủ kiến thức cần thiết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn