MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời câu hỏi của đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam. Ảnh: Như Ý

Dạy học trong trường đại học còn khô khan, ít tương tác

HUYÊN NGUYỄN LDO | 11/12/2018 19:09
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn cho rằng sinh viên (SV) sợ học các môn về lí luận, chính trị là câu hỏi chạm đúng phần xã hội quan tâm.

Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2018-2023, chiều 11.12, chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng lãnh đạo bộ, ban, ngành với các đại biểu dự đại hội đã diễn ra.

Giáo viên còn dạy lí luận suông

Trước câu hỏi của SV về nỗi sợ với những môn học về lí luận, chính trị dù đã đổi mới phương thức học tập, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng câu hỏi chạm đúng phần xã hội quan tâm.

Theo Bộ trưởng, môn chính trị, lí luận thường bị coi là khô khan. Trong thực tế, để góp phần truyền thụ môn này, nội dung, phương pháp dạy là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay có một số giáo viên còn dạy lí luận suông, vì thế phải đúc kết thực tiễn để giảng dạy, phương pháp dạy phải có tương tác. Bên cạnh đó, SV phải biết phản biện tích cực, tương tác với giáo viên mới tạo được bài học tốt.

Chương trình đào tạo chưa sát với thực tế

Đại biểu Bùi Tuấn Kiệt (đoàn Bình Định) bày tỏ, thực tế SV được đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng rất hạn chế thực tế, nặng lý thuyết, ít thực hành, dẫn đến mất nhiều thời gian để học lại sau ra trường.

Lãnh đạo Bộ GDĐT thừa nhận chương trình đào tạo hiện nay chưa sát so với thực tế. Các trường nói chung ít quan tâm đến nhu cầu thực tế mà chủ yếu quan tâm nhà trường có điểm mạnh gì thì đào tạo mảng đó. Do đó, các trường cần quan tâm khâu dự báo nhu cầu của thị trường trung và dài hạn từ đó điều chỉnh thiết kế chương trình đào tạo.

Cũng chính vì thực tế trên nên khi đi thực tập SV thường gặp khăn. Lí giải khó khăn này, Bộ trưởng Nhạ cho rằng yếu tố khách quan do SV thực tập ít thực tế, còn doanh nghiệp, công ty có quy trình, quy chuẩn và không thể cho người lạ vào khi không có lợi ích cụ thể.

Thứ 2, chương trình học và yêu cầu thực tiễn còn khoảng cách nên khó có thể SV đảm bảo, thậm chí là lớ ngớ, tự ti.

Lãnh đạo nhiều bộ, ngành đối thoại với các đại biểu của Đại hội. Ảnh: Như Ý/Tiền phong.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng thẳn thắn chỉ rõ SV cũng chưa thực sự chủ động học và nghiên cứu từ thực tế, chuẩn bị kiến thức khi đến với một doanh nghiệp để thực tập. Khi doanh nghiệp không thấy tin tưởng sẽ khó trao cơ hội cho sinh viên.

Về biện pháp khắc phục, Bộ trưởng Nhạ cho biết đã có chỉ đạo các trường, đặc biệt khi mở ngành phải chú trọng đến nhu cầu của thị trường. Trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung cũng quy định rất rõ trách nhiệm của cơ sở giáo dục phải kết nối với doanh nghiệp khi mở ngành. Như vậy, 3 yếu tố nhà trường, doanh nghiệp và bản thân SV cũng kết nối với nhau.

Bên cạnh đó, xã hội cũng cần nhìn nhận không phải cứ đào tạo ở trường ra là làm việc được ngay. Kiến thức ở đại học mang tính chất nền tảng, căn bản. Khi đi làm, mỗi doanh nghiệp có công nghệ riêng nên SV sẽ phải dành thời gian để làm quen với môi trường doanh nghiệp mới, công nghệ mất nên doanh nghiệp phải mất thời gian để đào tạo lại, Bộ trưởng Nhạ nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng thông tin đã triển khai thí điểm 2 mô hình đào tạo gắn trường với doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin; thực tập ngay trong từng môn học, ngay trong quá trình học chứ không phải theo hướng truyền thống chỉ một thời gian ngắn đến thực tập, thực tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn