MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dạy thêm, học thêm tràn lan và mâu thuẫn từ chính sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nhóm PV LDO | 28/09/2023 07:23

Trao đổi với Lao Động ngày 27.9, TS Vũ Thu Hương cho rằng, giữa các văn bản, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quản lí dạy thêm, học thêm hiện nay còn nhiều mâu thuẫn. Đây chính là nguyên nhân khiến việc dạy thêm, học thêm tràn lan, gây bức xúc dư luận.

Trường học được phép dạy thêm, dạy liên kết

Những ngày qua, Báo Lao Động có loạt bài phản ánh về việc các trường học liên kết với đơn vị bên ngoài, chèn tiết học thêm, học tăng cường vào thời gian học chính khóa của học sinh. Điều này khiến dư luận xã hội bức xúc vì cho rằng, cách sắp xếp thời khóa biểu như vậy gây khó cho phụ huynh, khiến họ khó lòng từ chối tham gia.

Liên quan đến vấn đề này, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) khẳng định: Đối với Tiểu học, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút. Để hướng dẫn nhà trường thực hiện, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn số 2345/BGDĐT-GDTH ngày 7.6.2021 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường cấp tiểu học.

Khi đã thực hiện đủ định mức tiết dạy của giáo viên hiện có, nhà trường có trách nhiệm thực hiện khảo sát, tổng hợp nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện để tổ chức các hoạt động giáo dục theo nhu cầu người học và theo các quy định về hoạt động này do địa phương quản lý theo thẩm quyền như học tiếng Anh với người nước ngoài, tăng cường giáo dục nghệ thuật, các câu lạc bộ, hoạt động trải nghiệm STEM...

“Từ kết quả khảo sát, hiệu trưởng tổ chức xây dựng kế hoạch thời gian thực hiện phù hợp với kế hoạch thời gian thực hiện chương trình các môn học, hoạt động giáo dục và điều kiện cụ thể của nhà trường; tạo môi trường cho học sinh được trải nghiệm, vận dụng các kiến thức đã học, phát huy năng lực đã đạt được trong chương trình các môn học, hoạt động giáo dục vào thực tiễn” – ông Tài nói.

Mẫu thuẫn từ các chính sách của Bộ GDĐT

Việc học thêm, dạy thêm, học liên kết trong các nhà trường hiện nay đang khiến dư luận xã hội bức xúc. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Sau những chia sẻ từ đại diện Bộ GDĐT, TS Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu theo phân tích của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài, việc các trường học tổ chức dạy thêm, dạy liên kết hiện nay là không sai. Điều này mâu thuẫn với chính văn bản do Bộ GDĐT ban hành.

Cụ thể, điều 4 Thông tư 17/2012/BGDĐT quy định, các trường hợp không được dạy thêm gồm: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: Bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Như vậy có thể hiểu, trường học không được tổ chức học thêm, dạy thêm ở bậc tiểu học.

"Rõ ràng xuất hiện mâu thuẫn giữa các văn bản, quy định của Bộ GDĐT về quản lí dạy thêm, học thêm. Mâu thuẫn từ trên thì cấp cơ sở sẽ không thể không rối trong quá trình triển khai" - bà Hương nhận xét.

Chương trình phổ thông tổng thể mới đang đi vào các nhà trường với rất nhiều những điểm mới. Vậy nên khi các văn bản mâu thuẫn sẽ khiến các nhà trường rối loạn, phụ huynh hoảng hốt và học sinh bị "chất" thêm các áp lực.

TS Vũ Thu Hương cũng cho rằng, hiện nay, ở các trường, mỗi nơi thực hiện liên kết dạy thêm theo một kiểu, nhưng mẫu số chung là các tiết học liên kết được chèn vào giờ học chính khoá. Cách làm này nảy sinh nhiều điều bất cập.

“Các trường đưa ra phương án, những em nào không học tiết liên kết trong khung thời gian chính khóa thì có thể thỏa thuận với nhà trường để bố trí thầy cô trông học sinh ở một phòng chức năng, hoặc tổ chức hoạt động nào đó để không em nào phải đứng hành lang. Tuy nhiên, phương án này sẽ khó thực hiện vì nếu giáo viên trông thì có được tính tiền thừa giờ đó không hay huy động kinh phí từ phụ huynh? Nếu miễn phí thì có thầy cô nào tình nguyện trông “không công” các em không?” – bà Hương đặt ra vấn đề.

Rõ ràng khi các chủ trương chồng chéo, mâu thuẫn, cái khó sẽ đẩy cho nhà trường, phụ huynh và trẻ. Chính vì vậy, các chủ trương cần phải được cân nhắc thật kĩ lưỡng và phải có khâu thực nghiệm trước khi đưa ra áp dụng đại trà.

Chuyên gia cũng cho rằng, thay vì liên tục sinh thêm ra các chủ trương, thông tư…, Bộ GDĐT nên chỉnh sửa, chuẩn chỉ lại các văn bản hiện có, tránh các mâu thuẫn như trên, gây khó khăn cho cấp cơ sở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn