MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh Trường Olympia được trải nghiệm hoạt động tổ chức lễ hội dân gian.

Dạy và học liên môn “4 trong 1” qua trải nghiệm sáng tạo

Đặng Chung LDO | 04/02/2018 11:55
Xúng xính áo the, khăn xếp, tự tay làm tranh Đông Hồ, viết thư pháp... là những trải nghiệm thú vị của học sinh khối 10 Trường Phổ thông liên cấp Olympia, trong một dự án phục vụ cộng đồng có tên “Hội xuân làng Chòng”, do chính các em tự lên ý tưởng và thực hiện.

Học mà chơi

Cô Trần Phương Thanh - giáo viên dạy Ngữ văn Trường Phổ thông liên cấp Olympia - cho biết, để có được buổi “học mà chơi”, “chơi mà học” này,  cô và trò đã ngồi lại với nhau để bàn bạc ý tưởng từ đầu năm học. 

Qua 5 tháng triển khai, với việc đặt học sinh làm trung tâm, thúc đẩy kỹ năng làm việc nhóm, tổ chức sự kiện của học sinh, cuối cùng cả cô và trò đã có buổi học trải nghiệm vô cùng thú vị và ý nghĩa tại Trầm Lộng (Ứng Hòa, Hà Nội) vào ngày 3.2.

“Trong chương trình lớp 10 có phần văn học dân gian, trong quá trình giảng dạy, có không ít em tỏ ra không hào hứng. Các bạn còn ồ lên: “Tại sao cô lại bắt con học ca dao, tục ngữ, lại bắt con nghe quan họ. Con không hề thích, nghe chỉ thấy buồn ngủ thôi”. Nhưng cũng có những em rất trăn trở, khi đi du học, em sẽ giới thiệu với bạn bè quốc tế về Việt Nam như thế nào, đâu là bản sắc dân tộc?

Từ thực tế đó, chúng tôi quyết định để các em học văn học dân gian thông qua hoạt động sáng tạo, trải nghiệm bằng việc xây dựng dự án “Hội xuân làng Chòng”. Các từ khóa được giáo viên đưa ra là: Nghi lễ ngày tết, các trò chơi dân gian, không gian văn hóa chợ làng, trình diễn ca dao, vẽ tranh Đông Hồ… còn thực hiện thế nào, tổ chức ra sao tự học sinh lên ý tưởng và tổ chức” – cô Phương Thanh chia sẻ.

Học sinh khối 10 sắm vai thầy giáo dạy ca dao, tục ngữ cho các em nhỏ.  

Đầu tiên, nhà trường tổ chức một cuộc thi xây dựng ý tưởng dự án. Học sinh được phân thành từng nhóm, bàn bạc với nhau để đưa ra ý tưởng tổ chức. Nhóm nào có ý tưởng tốt nhất sẽ được chọn và có quyền điều phối ý tưởng của mình trên cả khối. 

Dự án được chia làm hai giai đoạn: Học sinh được trải nghiệm văn hóa dân gian tại các làng nghề ở Bắc Ninh. Được các nghệ nhân dạy cách làm tranh Đông Hồ, được các liền anh liền chị dạy hát quan họ, sử dụng nhạc cụ dân tộc. Sau đó, nhiệm vụ của học sinh là đóng vai các nghệ nhân, thầy đồ… để dạy lại kiến thức đã thu lượm được từ buổi đi thực tế cho học sinh khối nhỏ hơn.

“Trước kia, em chưa có cơ hội được tham gia một lễ hội dân gian nào, cũng thấy rất xa lạ với các làn điệu dân ca. Khi bắt đầu xây dựng ý tưởng, cả nhóm phải lên Internet mày mò thêm kiến thức về văn học dân gian, rồi tự soạn giáo án dạy học cho các em nhỏ hơn.

Để các em hứng thú, nhóm đã nghĩ ra cách dạy học thông qua tổ chức các trò chơi, như thi đọc đúng các câu ca dao, tục ngữ và trao phần thưởng là những tờ phiếu để mua đồ ăn tại khu vực chợ quê do nhà trường tổ chức. Đây là một trải nghiệm rất đáng nhớ của em” - Doãn Hoàng Nhi (học sinh khối 10 Trường Olympia) chia sẻ.

 

Tích hợp 4 trong 1

Một trong những nội dung đang được dư luận quan tâm thời gian qua là sự xuất hiện của môn học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Có chuyên gia còn ví, dạy và học tích hợp ở nước ta hiện nay như “nấu lẩu thập cẩm”. Bởi giáo viên không được đào tạo, chưa hiểu rõ tích hợp là gì và hậu quả là ôm đồm các kiến thức. Nhất là khi giáo viên tích hợp những kiến thức liên môn một cách khiên cưỡng sẽ phản tác dụng, khiến học sinh không có hứng thú với môn học.

Vậy mà từ ý tưởng của học sinh, cô trò Trường Olympia đã có buổi học tích hợp liền một lúc 4 môn: Ngữ văn, Lịch sử, Mỹ thuật, Âm nhạc thông qua một môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

“Với môn Ngữ Văn, học sinh được tìm hiểu về thể loại Văn học dân gian: Vè, ca dao, dân ca, tục ngữ… Với môn Lịch sử là những biến động của giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 làm ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tâm tư, nguyện vọng của người dân. Còn với môn Âm nhạc, các bạn được học cách biểu diễn một làn điệu quan họ Bắc Ninh, diễn xướng những bài vè, ca dao, dân ca và những loại nhạc cụ dân tộc.

Với môn Mỹ thuật là những kiến thức cơ bản về kiến trúc đình chùa, làng xã.  Học sinh học trong tâm thế hào hứng, bởi các em được làm chủ, thi đua với nhau và thực hiện dự án do chính mình viết ra nên đặt rất nhiều tâm huyết. Có em còn bày tỏ mong muốn viết những dự án để bảo tồn ca dao dân ca trong thời đại công nghệ số” - cô Trần Phương Thanh chia sẻ.

 Các em nhỏ hào hứng tham gia lễ hội dân gian do học sinh khối 10 Trường Olympia tổ chức.

Hiện nay việc tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo ở nhiều nơi mới chỉ dừng ở ở việc tham quan. Các trường tổ chức theo hình thức cho học sinh đến một địa điểm nào đó, hoạt động vài trò tập thể rồi đưa về. Điều này mới chỉ dừng ở du lịch mà chưa phải là “trải nghiệm sáng tạo” thực sự.

Từ thành công của “Hội xuân làng Chòng”, cô Trần Phương Thanh cho rằng, để chương trình tích hợp liên môn, trải nghiệm sáng tạo thực sự có hiệu quả, nhất định phải lấy học sinh làm trung tâm. Tất cả mọi hoạt động đều bắt đầu từ học sinh trước, chứ không phải các cô là người làm, rồi ép các em phải đi theo. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn