MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Ảnh: NV

Dạy và học online hiện nay chưa thực sự đúng

HUYÊN NGUYỄN (THỰC HIỆN) LDO | 12/03/2020 09:30

Với việc nghỉ học dài ngày bởi diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, rất có thể sinh viên sẽ phải tốt nghiệp chậm lại ít nhất 1 kỳ học. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết việc nghỉ học dài ngày sẽ gây ra những khó khăn nhất định với cả sinh viên, nhà trường.

Khó đạt kết quả dạy online như mong đợi

- Thưa PGS.TS Đỗ Văn Dũng, trước diễn biến tình hình dịch bệnh kéo dài như vậy, các trường đại học đã áp dụng hình thức học online. Tuy nhiên, nhiều sinh viên cho rằng hình thức học này chóng chán, không tiếp thu được nhiều kiến thức, chất lượng không được như mong đợi. Ông đánh giá sao về việc này?

Dạy online quả thực không dễ như tưởng tượng của nhiều người. Một số đơn vị cứ hiểu rằng học online nghĩa là học từ xa nhưng không phải. Dạy online đúng nghĩa không phải kiểu dạy như trên truyền hình và một số trường hiện nay đang làm, giáo viên cứ quay video dài hàng tiếng đồng hồ rồi đưa lên Internet cho sinh viên nghe giảng.

Bắt đầu triển khai hình thức này từ năm 2014, phải mất 6 năm và sự đầu tư hàng tỉ đồng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM mới xây dựng được cơ bản thói quen, văn hoá dạy và học online cho sinh viên, giảng viên. Thế nên, với những trường chỉ mới áp dụng sẽ khó có thể đạt kết quả, chất lượng như mong đợi trong "một sớm một chiều". 

- Theo ông dự đoán, các trường sẽ gặp những khó khăn gì khi triển khai phương pháp này?

Giống như thời kỳ đầu tiên khi Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM bắt đầu dạy một phần online cũng đã gặp vô vàn khó khăn. Theo tôi, các trường sẽ gặp khó khăn về tư duy của người lãnh đạo chưa hiểu đúng bản chất của dạy online. Bên cạnh đó, giảng viên chưa có kinh nghiệm giảng dạy, sinh viên chưa có thói quen học tập trực tuyến.

Hệ thống dạy học thiếu chuyên nghiệp nên gây nhàm chán, không tạo ra hứng thú tương tác giữa giảng viên và người học. Đôi khi đường truyền dẫn không đảm bảo khiến tiết học bị gián đoạn, mất tiếng, nhiễu hình, tiếng ồn… gây chán nản cho cả thầy và trò.

Bên cạnh đó, sinh viên Việt Nam còn hạn chế trong việc tự học. Trong khi đó, học online là phải tự học rất nhiều. Vì thế, nhiều em chán nản, thậm chí ghét học online. Tâm lí học “face to face” vẫn còn in đậm trong tâm lý người Việt.

- Vậy điều gì để khắc phục những hạn chế ông vừa nêu ra?

Chúng ta cần phải hiểu là nếu một bài giảng cứ quay video 1 lèo 1-2 tiếng đồng hồ thì sao sinh viên xem và học cho được. Việc thiết kế bài giảng online phải chia nhỏ học phần thành các chủ đề kéo dài khoảng 10-15 phút, ngay sau 10 phút học phải có đánh giá xem học sinh có hiểu bài không. Sau đó mới phát tiếp nội dung học tập khác.

Ngoài ra, các trường nên nghiên cứu, đầu tư phần mềm của nước ngoài hiện đại phục vụ cho giảng dạy. Trên đó, có hệ thống quản lý sinh viên: điểm danh, kiểm tra sinh viên đã làm bài hay chưa và nhắc nhở.

Đặc biệt, giảng viên phải tâm huyết và dành nhiều thời gian cho việc xây dựng bài giảng, kiểm tra bài tập và trao đổi với sinh viên. Đây là vấn đề cần thời gian để thầy và trò cùng thích nghi.

- Nhiều ý kiến cho rằng với những khó khăn như trên, việc các trường chỉ mới triển khai học online mà đã đánh giá, công nhận kết quả học tập là chưa thực sự khách quan, đạt chuẩn chất lượng. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

Do nhận thức, thói quen, văn hoá của người Việt Nam còn chưa quen với việc dạy online vì thế với các trường chỉ mới áp dụng phương pháp này đã đánh giá kết quả học tập sẽ khiến nhiều sinh viên sợ bị trượt môn. Để đảm bảo chất lượng, trong thời gian tới khi mà hết dịch bệnh thì thầy cô vẫn cần bồi dưỡng thêm cho những em chưa nắm được đầy đủ kiến thức qua hình thức này.

Chậm tiến độ học tập

- Với tình trạng hiện tại, tiến độ năm học có bị chậm lại nhiều không, ảnh hưởng của việc sinh viên tốt nghiệp như thế nào, thưa ông?

Sinh viên, đặc biệt là năm cuối sẽ gặp khó khăn. Ví như trường tôi, theo kế hoạch sẽ có học kỳ hè dài 8 tuần cho các sinh viên bị nợ môn để các em “trả nợ”, ra trường kịp tiến độ. Nhưng năm nay, kỳ hè sẽ không thể tổ chức khi nghỉ học kéo dài như thế này. Nhiều em sẽ ra trường trễ đi ít nhất một học kỳ.

Chúng ta cũng chưa thể biết được diễn biến dịch bệnh COVID-19 sẽ như thế nào, bao giờ sinh viên có thể quay trở lại học tập nên các nhà trường cũng đang lập nhiều phương án học tập sau dịch.

Quan trọng nhất là nếu muốn đuổi kịp tiến độ, sinh viên sẽ phải có ý thức tự học, tự trau dồi kiến thức và chủ động trong việc tăng cường học tập, đảm bảo kế hoạch của nhà trường sau khi đi học trở lại.

- Vậy còn khó khăn với gia đình và nhà trường, thưa ông?

Nếu sinh viên tốt nghiệp chậm sẽ gây khó khăn cho các gia đình nghèo khi tốn tiền học, tiền sinh hoạt cho con khi kéo dài việc học tập. Sinh viên ra trường trễ 1 năm sẽ không thể đi làm và có cơ hội việc làm, thu nhập tốt nhất.

Đối với các trường, việc trường đại học tự chủ, trường ngoài công lập không nhận kinh phí chi thường xuyên từ nhà nước thì chỉ cần một học kỳ không có sinh viên là trường không còn tiền để trả lương. Cuộc sống của cán bộ, giảng viên sẽ gặp khó khăn khi nhà trường không còn tiền để trả lương trong thời buổi dịch bệnh.

Vì thế, rất cần các em sinh viên, gia đình và cán bộ, giảng viên chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn