MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

ĐBQH: Nên cấm bán sách tham khảo ở nhà trường, tạm hoãn tăng giá học phí

Nhóm PV LDO | 02/06/2022 12:03

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, sách tham khảo cần được hiểu theo đúng bản chất như tên gọi của nó là "chỉ để tham khảo". Do vậy đề nghị nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường.

Đề nghị nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường

Tại phiên thảo luận "đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022", Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành (đoàn Nghệ An) tranh luận về đề xuất nhân rộng mô hình thư viện sách giáo khoa và vấn đề sách bổ trợ, sách tham khảo liệu có cần thiết.

Theo ông Thành, sách bổ trợ, tham khảo là loại sách này tuỳ thuộc vào điều kiện, nhu cầu của học sinh, phụ huynh nên không bắt buộc phải mua.

Lấy ví dụ thực tiễn tại địa phương, đại biểu Thái Văn Thành cho biết, ngành giáo dục tại địa phương đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng mô hình thư viện sách giáo khoa trên phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, tỉnh sẽ dành một phần kinh phí để trang bị sách giáo khoa cho nhà trường.

Đại biểu Thái Văn Thành. Ảnh: Quochoi

Cùng với đó kêu gọi, huy động doanh nghiệp, các nhà xuất bản sách giáo khoa cho nhà trường, kêu gọi học sinh khóa trước học xong tặng lại sách để xây dựng thư viện sách giáo khoa. Việc làm này giúp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có sách để học và sách dùng nhiều lần sẽ tránh được lãng phí.

Qua đó, đại biểu Thái Văn Thành đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nhân rộng mô hình này trong các địa phương trên cả nước để hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có sách để học.

Tranh luận với đại biểu Thái Văn Thành về vấn đề sách tham khảo, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn TP.Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, đề xuất của đại biểu Thái Văn Thành là "cần nói cho người dân hiểu rằng sách tham khảo không cần mua".

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, sách tham khảo cần được hiểu theo đúng bản chất như tên gọi của nó là "chỉ để tham khảo". Nhưng hiện nay, vấn đề đặt ra là nếu có bán sách tham khảo, tất cả phụ huynh học sinh sẽ mua cho con bằng bạn, bằng bè. Ông nhấn mạnh "sách tham khảo này chính là nguồn lợi rất lớn cho các nhà xuất bản".

Vì vậy, cần hạn chế tối đa loại hình sách này. Rất nhiều nhà giáo dục kinh nghiệm trên thế giới đã chỉ ra rằng, sách tham khảo chỉ dùng cho các thầy cô giáo sử dụng để phong phú bài giảng của mình. Còn học sinh tiểu học không cần có sách tham khảo.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường. Ảnh: Quochoi

Do đó, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường. "Đổi mới sách giáo khoa là rất đúng đắn, nhưng cách làm chưa tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Sẽ có các sản phẩm tốt và rẻ hơn, đứng vững theo thời gian, chọn cách làm tường minh và khoa học thì sách giáo khoa sẽ trở lại đúng vị trí, trang trọng của mình", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

Đề nghị tạm hoãn tăng học phí

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu quan điểm về vấn đề chưa nên tăng học phí trong năm 2023.

Theo bà, từ năm học 2022-2023, học phí đại học, giáo dục nghề nghiệp sẽ tăng theo Nghị định số 81.2021 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (gọi tắt là Nghị định 81).

Theo đó, mức học phí mới của nhiều trường công lập, nhất là các trường mới tự chủ, sẽ có sự điều chỉnh theo hướng tăng gấp 3-5 lần so với mức học phí cũ.

"Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã có văn bản gửi các địa phương để xem xét lộ trình tăng học phí.

Nhưng tôi kiến nghị, trong điều kiện hiện nay, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 vừa qua, cho nên cần tạm hoãn việc tăng học phí, ít nhất trong năm tới. Điều này để tạo điều kiện cho các em được đến trường, đời sống của người dân đỡ cơ cực hơn", bà Nguyễn Thị Yến Nhi cho hay.

Làm sao để giá sách giáo khoa mới "dễ thở" hơn

Liên quan đến vấn đề giá sách giáo khoa tăng cao, gấp 2-3 lần sách cũ, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hoá cho biết, sở dĩ giá sách giáo khoa mới cao hơn bộ sách giáo khoa cũ do quy trình thực hiện khác nhau.

Tuy nhiên, Đại biểu cho rằng, bộ phận thẩm định cần xem xét, đánh giá lại, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp trong thời gian vừa rồi. Bộ phận thẩm định, nhà xuất bản xem còn tinh giản được khâu nào không thì tinh giản để giá sách giáo khoa mới "dễ thở" hơn. 

"Đối với các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, các địa phương, nhà xuất bản nên có chương trình tặng sách để chia sẻ khó khăn với các em học sinh và phụ huynh, làm sao để sách giáo khoa mới đến được với các em học sinh", ông Thức nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn