MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tết Nguyên đán 2023, học sinh trên cả nước sẽ được nghỉ từ 8 - 14 ngày. Ảnh: Sơn Tùng

Để bài tập về nhà không là nỗi ám ảnh của học sinh vào dịp Tết

Tường Vân LDO | 07/01/2023 12:01

Nhìn quyển lịch để bàn và chồng sách vở, Đức Minh thở dài khi nghĩ đến cảnh Tết vẫn đèn sách, hoàn thành số bài tập "khổng lồ".

Tết cũng như… ngày thường

11h đêm, Đức Minh, học sinh lớp 11 tại Thanh Hoá vẫn miệt mài bên sách vở, hoàn thành nốt số bài tập cô giáo giao về nhà. Lướt nhìn qua quyển lịch bàn, Đức Minh thoáng chút giật mình khi hôm nay đã là ngày 16 âm lịch. Vậy là chỉ còn khoảng 10 ngày, em và các bạn sẽ bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023.

Nghĩ đến đây, cậu học trò nhỏ không khỏi băn khoăn, lo lắng bởi từ nhiều năm nay, Tết luôn là nỗi ám ảnh với em khi phải ngập trong "núi bài tập" về nhà.

Bài tập Tết luôn là nỗi ám ảnh với nhiều học sinh. Ảnh minh hoạ: Sơn Tùng

“Trước kỳ nghỉ khoảng 1, 2 ngày, cô giáo sẽ phát 1 xấp đề bài tập Tết. Chúng em sẽ làm và ra Tết, cô sẽ chấm lấy điểm” – Đức Minh nói.

Ý thức được rằng, những năm học cấp 3 vô cùng quan trọng, là thời điểm để em chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, thực hiện những ước mơ, hoài bão của mình, cậu học trò chẳng dám than thở, chỉ mong Tết cũng như… ngày thường. 

“Tết đến, mọi người đều đi chơi, đi chúc Tết. Em chẳng dám đi, phải tranh thủ làm cho xong bài tập Tết. Trước Tết làm, trong Tết vẫn phải làm mới kịp hoàn thành theo tiến độ. Có khi, Tết chúng em còn được giao nhiều bài tập hơn là thường ngày lên lớp” – Đức Minh thở dài.

Không chỉ Đức Minh, hay nhiều học sinh khác, thậm chí, đến các bậc làm cha, làm mẹ cũng ngao ngán khi thấy cảnh con được giao quá nhiều bài tập vào dịp nghỉ Tết.

“Đôi lúc con có quá nhiều bài tập Tết khiến bố mẹ cũng áp lực theo. Không thể dạy con chống đối, không hoàn thành bài tập cô giao, nhưng cũng thật khó để cân đối việc học của con cũng như các hoạt động vui chơi ngày Tết” – chị Vũ Nhật Anh (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.

Nghỉ Tết sao phải làm bài tập?

Tết Quý Mão 2023 sắp đến gần. Số ngày nghỉ Tết của các địa phương có khác nhau, nghỉ ít nhất là 8 ngày (Hà Nội) nghỉ nhiều nhất là 14 ngày (Đồng Nai). Thời gian nghỉ Tết dù ngắn hay dài, thì điều quan trọng là làm sao để học sinh có kỳ nghỉ thật ý nghĩa, trọn vẹn. 

Thầy Nguyễn Văn Lực, giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hoà cho rằng, không ít thầy cô có tư tưởng giao bài tập về nhà trong dịp Tết vì lo học sinh có nhiều thời gian rảnh sẽ chơi game, lướt Facebook, xem điện thoại, ti vi,... gây xao lãng việc học, quên kiến thức.

Ủng hộ thầy cô giao bài tập để học sinh không quên kiến thức, nhưng giáo viên này nhận định, thời gian nghỉ Tết là để học sinh giải toả căng thẳng, cân bằng tâm lý, vui chơi sau một học kì học tập đầy căng thẳng.

Do đó, số lượng, nội dung bài tập Tết cần phù hợp để học sinh không quên kiến thức nhưng vẫn được tận hưởng niềm vui trọn vẹn. 

Với những kinh nghiệm đứng lớp của mình, thầy Lực chia sẻ, hằng năm, thầy thường giao nhiệm vụ cho học sinh: “Hãy kể đặc trưng ngày Tết quê em” để giúp học sinh tìm hiểu nét đẹp ngày Tết, không quên truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc ta.

"Thay vì giao các bài tập nặng về lí thuyết, thầy cô nên hướng dẫn các em tìm hiểu những phong tục tập quán, truyền thống nét đẹp văn hóa của dân tộc ta.

Những điều này giúp các em có trải nghiệm, hiểu về đặc trưng Tết cổ truyền của dân tộc ta, nhất là những học sinh thành phố. Đó chính là những nét đẹp văn hóa của người Việt được lưu truyền từ đời này sang đời khác, cần được gìn giữ phát huy để những giá trị đó được trường tồn, giúp các em hiểu về cội nguồn dân tộc, không đánh mất bản sắc văn hóa trong thời buổi hội nhập thế giới ngày nay

Riêng đối với các bậc phụ huynh, Tết là cơ hội để dạy các em biết những nét đẹp giá trị truyền thống của gia đình mình như: cúng tiễn đưa ông Công ông Táo (23 tháng chạp), cúng tất niên, đi tảo mộ, bày mâm ngũ quả, gói bánh tét, bánh chưng, dựng cây nêu ngày Tết…” – thầy Lực chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn