MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh ám ảnh mỗi khi nghĩ về kì thi cuối kì. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Đề cương dày hơn cả sách giáo khoa, học sinh ám ảnh, phụ huynh đề xuất bỏ kì thi học kì

Tuyết Anh LDO | 16/01/2024 07:39

Gánh nặng điểm số và cuộc chạy đua thành tích học tập vô tình khiến kì thi học kì trở thành “tảng đá” đè nặng lên vai học sinh và phụ huynh.

Thi học kì trở thành nỗi "ám ảnh"

Chương trình học được giảm tải, tưởng đâu việc học hành, thi cử sẽ nhẹ nhàng đối với học sinh, thế nhưng trên thực tế, gánh nặng điểm số vẫn không thể biến mất. Học sinh vẫn phải quay cuồng khi tham gia vào “cuộc chiến” thi cuối học kì.

Dù đã nhận về kết quả thi như mong đợi, với tổng điểm tổ hợp môn A00 xếp top đầu của khối, nhưng khi nhắc lại quãng thời gian ôn thi học kì cách đây nửa tháng, Lê Ngọc Tố Y - học sinh lớp 12 tại Hà Tĩnh - vẫn cảm thấy ám ảnh.

“8 môn thi với 8 bộ đề cương có khối lượng kiến thức khổng lồ, khiến bản thân em luôn rơi vào trạng thái căng thẳng và lo sợ. Tuy gia đình, thầy cô không tạo áp lực điểm số lên em trong mỗi kì thi, nhưng khi nhìn thấy các bạn học ngày, học đêm để đạt được điểm cao em không thể nào không học.

Mỗi độ ôn thi, 12h đêm nhắn tin vào nhóm hỏi vấn đề gì, các bạn đều trả lời em rất nhanh, chưa có một ai đi ngủ” - Tố Y nhớ lại quãng thời gian ôn thi của mình.

Không riêng Tố Y, dù rất mệt mỏi nhưng tuyệt nhiên trong thời gian ôn thi cuối kì hồi tháng 12 năm ngoái, Đặng Trọng Cửu - học sinh lớp 9, Trường THCS Diễn Cát (Nghệ An) - không hôm nào đi ngủ trước 1h sáng. Đối với Cửu, năm nay, mọi áp lực dường như nhân đôi, khi phải cùng lúc chuẩn bị cho hai kì thi là thi cuối kì và thi chuyển cấp.

“Trước khi đến với kì thi chuyển cấp vào tháng 6, em phải hoàn thành trọn vẹn kì thi cuối kì I và cuối kì II. May mắn, điểm thi học kì I mới đây của em khá cao, xứng đáng với công sức cũng như thời gian em dành ra để ôn tập trong suốt một tháng qua. Em cũng không còn lo “mất Tết” vì điểm thi thấp như nhiều bạn hay bảo” - Trọng Cửu bày tỏ.

Thay đổi cách kiểm tra, đánh giá để giảm bớt áp lực

Cả tháng 12 năm ngoái, chị Phạm Thị Thúy Linh (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) - không thể làm bất cứ việc gì khác ngoài việc đèo cậu con trai lớp 5 từ nhà đến trường, rồi từ trường đến các lớp học thêm.

“Ở thành phố lớn, phụ huynh cho con học thêm rất nhiều, đặc biệt là thời gian cao điểm ôn thi cuối học kì. Cá nhân tôi không muốn cho con đi học thêm quá nhiều, muốn con có thời gian vui chơi. Nhưng khi thấy bạn bè học nhiều như vậy, con cũng lo lắng và có đề xuất với tôi là cho con đi học thêm” - chị Linh cho hay.

Để giảm áp lực, chị Linh mong muốn các trường học xem xét bỏ kì thi này hoặc chỉ tổ chức thi một năm một lần. Điều này vừa giảm bớt áp lực cho các con, vừa giúp phụ huynh bớt lo lắng.

“Thực lòng tôi rất muốn các trường học xem xét bỏ kì thi cuối học kì hoặc thay đổi cách kiểm tra. Vì khi thấy các con ôn ngày, ôn đêm và sáng hôm sau phải dậy đi học trong tình trạng mệt mỏi tôi rất xót. Chưa kể phụ huynh cũng bị ảnh hưởng một phần công việc” - chị Linh đề xuất.

Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thị Bình (Quận 2, TPHCM) - đề xuất trong thời gian tới, thay vì tổ chức thi học kì, thầy cô có thể quan sát quá trình học tập của con rồi đưa ra nhận xét vào cuối chương trình học.

“Việc đánh giá, nhận xét toàn bộ quá trình học của con sẽ đánh giá đúng thực chất hơn là qua điểm số. Với cách làm này, các con sẽ tập trung học trong suốt cả quá trình, chứ không chỉ chờ đến khi thi học kì mới tập trung học đống đề cương dày hơn cả sách giáo khoa” - chị Bình nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn