MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh thảo luận sau môn thi địa lý tại điểm thi Trường Đại học Sư Phạm TPHCM (ảnh K.Q)

Đề Địa lý không khó, mang hơi thở thời sự

Minh Phạm LDO | 03/07/2016 11:47
10h30 ngày 3.7, các sĩ tử dự thi khối C, kỳ thi THPT Quốc Gia đã kết thúc môn thi Địa lý. Cấu trúc đề gồm 4 câu hỏi lớn, thời gian làm bài 180 phút, nhiều thí sinh cho rằng, đề thi không khó, có câu hỏi liên hệ với thực tế, mang “hơi thở thời sự”.

Ra khỏi phòng thi từ rất sớm, em Lê Thị Hằng Nga, học sinh trường THPT Mạc Đĩnh Chi cho biết: “Đề địa năm nay khá dễ, em chỉ làm trong 120 phút đã hoàn thành các câu trả lời. Các câu hỏi không đánh đố, chỉ cần học thuộc bài, nắm vững kiến thức là có thể làm được. Em nghĩ mình có thể làm được 8-9 điểm”.

Phần 2 của câu hỏi số IV được nhiều thí sinh đánh giá là câu hỏi khá hay. Thí sinh được yêu cầu chứng minh rằng, Đồng bằng Sông Cửu Long có nhiều thế mạnh và hạn chế về tài nguyên đối với việc phát triển nông nghiệp? Tại sao thời gian vừa qua, tình trạng xâm nhập mặn diễn ra hết sức phức tạp.

Theo Hằng Nga, với câu hỏi này, nếu thí sinh có xem qua nhiều tin tức sẽ làm tốt hơn: “Em đã cố gắng liên hệ thực tế và đưa vào câu trả lời ý thức bảo vệ môi trường. Khi ở nhà, em đã nghĩ đến chuyện đề sẽ ra các câu hỏi mang tính thời sự tương tự, và dự đoán đề sẽ tập trung vào vấn đề biển đảo nhiều hơn. Khi gặp đề thế này, không đúng ý nhưng cũng không bất ngờ với em”.

Thí sinh Trần Lâm Mỹ Phụng, học sinh trường THPT Nguyễn Thái Bình cho biết: “Đề địa năm nay khá dễ. Em thích nhất câu cuối liên quan đến vấn đề xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Em nghĩ rằng, với câu hỏi này, mình phải liên hệ thực tế và nếu bạn nào nắm nhiều tin tức thời sự sẽ làm tốt hơn. Bên cạnh đó, nếu biết cách khai thác Atlat, thí sinh cũng sẽ liên hệ và phân tích tốt”.

Em Thanh Hiếu, học sinh trường TH Thực hành Sài Gòn đánh giá: “Theo em, đề khó hơn năm trước nhưng không phải quá khó. Chúng em chỉ làm trong 2 tiếng là xong. Với đề thi này, nếu thí sinh biết khai thác Atlat và có kiến thức tốt sẽ làm khá hay, dễ được điểm cao”.

Thí sinh Hồng Sơn, học sinh trường TH-THCS-THPT Thanh Bình thì cho rằng, phần 1 của câu hỏi số IV yêu cầu “Phân tích thế mạnh tại chỗ của ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm ở nước ta, tại sao một số thực phẩm thuộc ngành này lại trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam” khá hay và lạ: “Em rất thích câu hỏi này vì ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, chúng em phải liên hệ thực tế khá nhiều và nếu bạn nào khá thì viết rất hay”.

Chiều nay, thí sinh sẽ bước vào thi môn hóa với đề thi trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút.

 Thí sinh dự thi môn địa lý tại TPHCM 





Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn