MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Để sách giáo khoa không là gánh nặng tài chính cho phụ huynh

Nguyễn Văn Lực, Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa LDO | 21/06/2023 07:12

Sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông cao gấp nhiều lần so với sách hiện hành. Vậy cần phải làm thế nào để giảm gánh nặng tài chính đầu năm học mới cho phụ huynh về việc mua sách giáo khoa?

Thông tin về giá sách giáo khoa mới các lớp 4, 8, 11 cao hơn tới 3 lần so với giá sách giáo khoa theo chương trình cũ khiến nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng. Phía đại diện các đơn vị xuất bản đã có những lí giải về mức giá này.

Cụ thể, giá sách mới cao hơn do chi phí tăng ở các khâu cấu thành giá bán một bộ sách giáo khoa mới gồm: số lượng cuốn trong một bộ sách; chi phí tổ chức bản thảo; chi phí vật tư, công in và chi phí marketing.

Sách giáo khoa mới lớp 4,8,11 dùng cho năm học 2023 - 2024. Ảnh: Bích Hà

Thực tế ba năm qua (2019 - 2022), đại dịch COVID-19 đã tàn phá, gây thiệt hại nặng nề đến mọi mặt đời sống của người dân. Đời sống của đa số người dân còn có nhiều khó khăn sau dịch bệnh.

Chính vì vậy, giá sách giáo khoa mới cao hơn gấp nhiều lần giá sách hiện hành đã trở thành gánh nặng với nhiều gia đình mỗi dịp đầu năm học.

Để hỗ trợ người học, Bộ GDĐT đang phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu phương án sử dụng ngân sách Nhà nước để mua sách giáo khoa, đưa vào thư viện các trường học cho học sinh mượn.

Để sách mượn được sử dụng dài lâu, trước hết là nhà trường cần giáo dục cho học sinh ý thức giữ gìn sách vở cẩn thận, không được viết vẽ bậy vào sách, cuối năm nhà trường nên xem xét tuyên dương, khen thưởng những học sinh biết bảo quản sử dụng sách có hiệu quả và xem đó là một tiêu chí đánh giá hạnh kiểm học sinh cần được phát động duy trì thường xuyên.

Ngoài ngân sách Nhà nước mua sách, nhà trường nên vận động các cá nhân, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp… ủng hộ kinh phí để có thêm sách cho nhiều em được mượn. Phát động phong trào ủng hộ sách cho thư viện…

Chúng ta cũng có thể thực hiện xã hội hóa tủ sách dùng chung trong phụ huynh, học sinh. Đối với những phụ huynh có điều kiện tham gia đóng góp sách để chia sẻ cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hơn được hưởng lợi từ tủ sách xã hội hóa.

Tiếp đến, nhà trường cần tính đến kế hoạch mua sách giáo khoa đã sử dụng trong những năm học trước lớp của phụ huynh, học sinh không có nhu cầu sử dụng nữa để cho học sinh mượn.

Một việc nữa là nhà trường phát thưởng cho học sinh vào dịp lễ tổng kết và phát thưởng cuối bằng những bộ sách giáo khoa giúp các em có sách để học và sử dụng được lâu dài mà khỏi phải mua.

Chúng ta đã và đang thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (được Bộ GDĐT phê duyệt).

Sách giáo khoa chỉ là tư liệu để dạy và học do vậy thầy cô và học sinh có thể tham khảo các bộ sách khác nhau vẫn được chấp nhận. Vì vậy Bộ GDĐT cần xây dựng chương trình có tính ổn định lâu dài tránh thay đổi trong thời gian ngắn, sách giáo khoa cần có tuổi thọ nhất định không phải thay đổi nhiều về nội dung, nếu có chỉ là bổ sung, cập nhật sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sự phát triển của xã hội, tránh được việc phải mua sách mới khác để học cũng như khi chuyển đến học từ trường này đến trường khác, địa phương này sang địa phương khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn