MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đề thi học sinh giỏi quốc gia nói về "Con đường thành công bằng sự tử tế"

Bích Hà LDO | 29/12/2019 19:54
Đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2019-2020 môn Văn yêu cầu học sinh bày tỏ suy nghĩ về "con đường" trong cuốn sách "Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế" của doanh nhân người Nhật Inamori Kazuo.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2019-2020 diễn ra từ ngày 27 đến ngày 29.12.2019.

Ngày 27.12, học sinh đã thi viết các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc và thi lập trình trên máy vi tính môn Tin học.

Với môn Văn, đề thi được nhận xét là khá thú vị khi yêu cầu học sinh nêu suy nghĩ về việc đi đến thành công bằng sự tử tế.

 Đề thi học sinh giỏi quốc gia 2019-2020.

Theo đó, đề thi Văn gồm 2 câu. Câu 1 (nghị luận xã hội), đề yêu cầu bày tỏ suy nghĩ về "con đường" trong nhan đề bản dịch tiếng Việt cuốn sách của Inamori Kazuo - một doanh nhân người Nhật, qua câu: "Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế".

Câu 2 (nghị luận văn học) đề yêu cầu trả lời cho câu chuyện, trong thời đại ngày nay, liệu văn học có khả năng giúp con người hóa giải được những áp lực trong đời sống tinh thần?

Nhận định về đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm nay, cô Trịnh Thu Tuyết (từng là giáo viên dạy Văn, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội), giáo viên hệ thống giáo dục HOCMAI - cho biết, cả hai câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học đều đặt ra những vấn đề quen thuộc mà không bao giờ nhàm chán của cuộc sống và văn chương.

Cô Trịnh Thu Tuyết cho rằng câu nghị luận xã hội trong đề thi học sinh giỏi Văn rất thú vị. 

Câu nghị luận xã hội khá thú vị bởi nhiều lẽ. Trước hết là cách nhìn ra vấn đề khá độc đáo từ nhan đề một cuốn sách dịch “Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế” thay vì những danh ngôn, quan niệm, hay những câu chuyện… như phần lớn các đề quen thuộc. Với câu hỏi này, học sinh có nhiều cách viết, kể cả góc nhìn phản biện.

“Thành công và “tử tế” là hai vấn đề thường xuất hiện độc lập trong rất nhiều đề thi. Vì vậy, khi kết nối chúng với nhau trong mối quan hệ nhân quả sẽ tạo hứng thú cho học trò, đặc biệt trong thời đại của các trào lưu Startup và “việc tử tế” đang lên ngôi.

Khi người ta nói nhiều tới “việc tử tế” như một tín hiệu cho thấy cuộc sống đang thiếu vắng sự tử tế và nhiều thành công bất chấp cả đạo lí lẫn pháp lí.

Với đề thi này, học sinh sẽ thể hiện kiến thức đời sống xã hội, năng lực lí giải” - cô Trịnh Thu Tuyết cho biết.

Với câu nghị luận văn học, đề thi nói đến vấn đề quen thuộc của lí luận văn học là chức năng văn học, đặt vấn đề cụ thể về khả năng của văn học nhằm “giúp con người hóa giải những áp lực” trong cuộc sống. Với yêu cầu này của đề bài, học trò phải nắm chắc và đề cập được tất cả các chức năng của văn học, từ nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ, cho tới giao tiếp, giải trí… 

Với đề bài này, cô Tuyết cho rằng về cơ bản có khả năng khơi gợi hứng thú và suy nghĩ độc lập cho học trò, dù vẫn có khả năng tạo ra một loạt những bài viết... “như chân lí”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn