MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh cần kiến thức toàn diện để có thể đạt điểm cao tỏng bài thi Khoa học tự nhiên (Ảnh: Hải Nguyễn)

Đề thi Khoa học xã hội: Cần kiến thức toàn diện

Huyên Nguyễn - Hải Nguyễn LDO | 15/05/2017 19:00
Bài thi tổ hợp Khoa học xã hội bao gồm kiến thức 3 môn học Lịch sử, Địa lý và Giáo dục Công dân. Theo đánh giá chung của các giáo viên, đề thi khá hay và yêu cầu học sinh nhiều kĩ năng.

Đề thi Lịch sử hay, bao quát

Đề thi tham khảo THPT quốc gia năm 2017 môn Lịch sử được bao gồm 40 câu được chia làm hai phần nội dung: Lịch sử thế giới bao gồm 12 câu (chiếm 30%); và Lịch sử Việt Nam bao gồm 28 câu (chiếm 70%).

Theo đánh giá của cô Trần Thị Lan – giáo viên môn Lịch sử tại Tuyensinh247.com: Đề thi được xây dựng theo ma trận đề hợp lí, bám sát chương trình học, trải đều trong các chủ đề lịch sử, xoáy vào những vấn đề trọng tâm nhất.

Cô Lan phân tích thêm, trong nội dung phần Lịch sử thế giới (1945-2000) đã bám sát được nội dung quan trọng và các sự kiện tiêu biểu các tác động mạnh đến tình hình quốc tế: Trật tự hai cực Ianta, chiến tranh lạnh, xu hướng toàn cầu hoá, … Ngoài ra còn đảm bảo tính đầy đủ với một số câu hỏi có nội dung về quốc gia, khu vực: ASEAN, Mĩ, Nhật… và tổ chức mang tính quốc tế như Liên Hợp Quốc.

Phần Lịch sử Việt Nam có nội dung bao quát từ 1919 đến 2000. Trong đó, giai đoạn từ 1919 – 1945 cũng chiếm 12 câu (30% đề thi) đề cập đến các vấn đề về các đảng phái chính trị, vai trò của Đảng và các cao trào cách mạng. So với đề minh họa lần 2, giai đoạn này được chú trọng, xoáy sâu vào mức độ hiểu và vận dụng của học sinh.

Giai đoạn 1945 – 1975, giống như đề thử nghiệm lần 2, nội dung các câu hỏi đề cập đến những vấn đề chủ chốt như: âm mưu của Pháp và Mỹ; chủ trương của Đảng; các chiến dịch quân sự;… Đây là giai đoạn trọng tâm với nhiều kiến thức khó, nhiều kiến thức có ảnh hưởng quốc tế lớn. Chính vì thế, các em học sinh trong quá trình học tập và ôn luyện cần nắm vững kiến thức để đạt được điểm cao.

Giai đoạn 1975 – 2000 chiếm 4 câu tập trung vào vấn đề đổi mới và thống nhất đất nước về mặt nhà nước.

Nhìn chung, đề thi tham khảo môn Lịch sử là một đề hay, khoa học, bao quát, bám sát chương trình, có đầy đủ các mức độ nhận thức nhằm phân loại chất lượng học sinh. Nếu không có sự ôn luyện kĩ càng thì khó có thể đạt được điểm khá. Vì thế, cô Lan khuyên rằng học sinh phải cố gắng hơn nữa để nắm kiến thức một cách toàn diện và thấu hiểu được bản chất của vấn đề.

Không khó để đạt điểm 7 môn Địa lý

Đó là nhận định của cô Bùi Thị Hương Thu – Giáo viên Địa lý tại Tuyensinh247.com. Cô Thu nhận định, tương tự như đề thử nghiệm lần 2 của Bộ giáo dục, đề thi tham khảo môn Địa lý  lần này cũng có cấu trúc gồm 7 câu địa lý tự nhiên, 3 câu địa lý dân cư, 10 câu địa lý ngành kinh tế, 10 câu địa lý vùng kinh tế, 10 câu bài tập và Atlat Địa lý.

Nội dung đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình Địa lý 12 với đầy đủ các phần lý thuyết và kỹ năng (kỹ năng làm việc với biểu đồ, bảng số liệu và kỹ năng làm việc với Atlat). Kiến thức có sự phân hóa ở 4 mức (nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Đề thi lần này khá hay và có khả năng phân loại học sinh rõ ràng hơn, cô Thu nhận định.

Học sinh cần bám sát vào bộ đề của Bộ GDĐT để có hướng ôn tập đúng đắn (Ảnh: Hải Nguyễn)

“Nhìn chung đề tham khảo kì thi THPT quốc gia môn Địa lý lần 3 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nội dung tương đối cơ bản, học sinh trung bình có thể làm được những câu có thể đọc kiến thức Atlat; không khó để học sinh phổ thông làm được từ 7–8,5 điểm”, cô Thu cho hay.

Trước đề bài trên, cô Thu nhận định trong giai đoạn nước rút này, những học sinh mới bắt đầu ôn tập môn Địa lý nên chú trọng hơn vào kĩ năng Atlat vì có thể khai thác khá nhiều kiến thức làm bài tập từ cuốn tài liệu này. Những học sinh đã nắm vững kiến thức cơ bản sách giáo khoa nên củng cố và rèn luyện thêm kĩ năng làm bài tập và luyện thêm đề thi thử để có thể củng cố kiến thức, rèn luyện các bài tập khó cũng như có phản xạ nhanh hơn khi làm bài thi chính thức.

Đòi hỏi cao trong đề thi Giáo dục Công dân

Cùng với môn Lịch sử và Địa lý, môn Giáo dục công dân là yếu tố cấu thành nên tổ hợp các môn Khoa học xã hội.

Thầy Phạm Văn Sơn, giáo viên trường THPT Phả Lại, Hải Dương, nhận xét, đề thi Giáo dục công dân thuần túy là kiến thức pháp luật nên đòi hỏi tính chính xác tuyệt đối. Mặt khác, đề thi phản ánh những sinh hoạt, những mối quan hệ trong cuộc sống đời thường nên khá gần gũi với mỗi người.

Cũng theo thầy Phạm Văn Sơn, phần vận dụng đòi hỏi học sinh phải có kiến thức tổng hợp, khả năng phân tích, đánh giá tình huống từ đó bày tỏ thái độ của mình đối với những vấn đề của thực tiễn xã hội.

Cùng chung quan điểm trên, thầy Lê Đức Thoại, trường THPT Chu Văn An, huyện Krông Pa, Gia Lai, cho rằng, ở dạng câu hỏi vận dụng cao, đề thi cập nhật được nhiều thông tin, sự kiện mang tính thời sự đã và đang xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Điều này giúp thí sinh giảm áp lực và hứng thú tham gia giải quyết vấn đề bởi lúc này các em là người trong cuộc.

Tuy nhiên, thầy Lê Đức Thoại cũng lưu ý, để có được đáp án đúng, đề thi đòi hỏi thí sinh phải biết xâu chuỗi toàn bộ kiến thức đã học, phải có tư duy logic, kỹ năng phân tích, phán đoán và vận dụng.

Với bốn cấp độ khác nhau, bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu phân loại năng lực thí sinh, đề thi môn Giáo dục Công dân còn góp phần tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật để từ đó mỗi công dân biết sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, thầy Thoại nhấn mạnh.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn