MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đề thi Lịch sử THPT quốc gia 2018: Học sinh dễ dàng đạt điểm 5-6

Đặng Chung - Phan Anh LDO | 27/06/2018 13:23

Sáng nay 27.6, gần 450 nghìn thí sinh bước vào làm bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Sau khi kết thúc bài thi môn lịch sử, nhiều giáo viên nhận định đề thi năm nay chất lượng hơn năm trước, phân hóa thí sinh cao, không yêu cầu học sinh ghi nhớ máy móc.

Trao đổi với Lao Động, cô Hoàng Thị Lan Hương - giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) đánh giá, đề thi năm nay chất lượng hơn năm trước.

Theo cô Hương, đề thi năm nay có phạm vi kiến thức khá rộng, bao gồm cả chương trình lớp 11 và 12. Hệ thống câu hỏi và các phương án đưa ra tương đối rõ ràng, mạch lạc.

Có nhiều câu hỏi mang tính tư duy, học sinh phải nắm bắt các sự kiện trong mối tương quan, liên hệ với nhau, phải có kĩ năng so sánh, tổng hợp, phân tích, khái quát, đôi chỗ ghi nhớ chi tiết (ví dụ câu 6, mã đề 306).

Không có nhiều câu học sinh dễ nhận ra ngay đáp án (những câu yêu cầu học thuộc lòng) mà phải hiểu, nắm chắc sự kiến và nắm chắc bản chất của sự kiện đó. Câu hỏi mang tính so sánh nhiều hơn, ví dụ câu 29, câu 32, 38… (mã đề 306). Không có câu hỏi đánh đố học sinh.

Đồng quan điểm, cô Lê Thị Mỹ Dung - giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) chia sẻ: “Là giáo viên bộ môn, tôi lo lắng vì không biết mức độ khó của đề như thế nào, vì xuất hiện kiến thức cơ bản lớp 11. Nhưng khi quan sát đề, cảm giác đó mất đi.

Với ma trận đề năm nay, từ câu 1-24, chủ yếu ở hai mức độ là nhận biết và thông hiểu, dành cho học sinh có học lực trung bình, trung bình khá, có tiêu chí chỉ xét tốt nghiệp THPT. Theo quan điểm của tôi, học sinh dễ dàng đạt từ 5-6 điểm.

Từ câu 25-40, mức độ khó tăng dần, dành cho học sinh có học lực khá giỏi; đặc biệt 4 câu cuối dành cho học sinh giỏi, có tiêu chí xét tuyển đại học. Phổ điểm chủ yếu là điểm 6-7”.

“Với cách ra đề như năm nay, tôi đánh giá tích cực về đề, về cơ bản có sự phân hóa rất tốt; đã chuyển tải được nội dung cơ bản, định hướng được học sinh và đáp ứng được mục tiêu giáo dục phát triển năng lực” – cô Dung chia sẻ thêm.

Cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền - giáo viên Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cũng cho rằng, đề bám sát mục tiêu dùng dữ liệu để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

"Cấu trúc đề theo ma trận của đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, tức có 60% kiến thức cơ bản, 40% kiến thức nâng cao. Điểm mới năm nay là có phần kiến thức Lịch sử 11, chiếm 20% nội dung đề thi.

Về chuẩn kiến thức, kĩ năng: Ở phần kiến thức lớp 11 (8 câu), các câu hỏi đều hỏi về kiến thức trọng tâm, cơ bản. Ví dụ câu 1 về phong trào cách mạng Việt Nam đầu thế kỉ XX; câu 35 về cách mạng tháng 10 Nga… Do đó học sinh sẽ làm tốt các câu này.

32 câu còn lại chiếm 80%, kiến thức rải đều các giai đoạn lịch sử, bao phủ toàn bộ chương trình lịch sử 12. Các câu hỏi thiết kế rất hay, theo 4 cấp độ nhận thức của học sinh (nhận biết, hiểu, vận dụng, vận dụng cao).

Theo tôi, đây là đề khá hay, không yêu cầu học sinh ghi nhớ máy móc, định hướng được công tác giảng dạy môn Lịch sử trong trường THPT" - cô Huyền cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn