MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hướng dẫn cách làm 3 dạng bài trong đề thi môn Ngữ Văn kỳ thi vào lớp 10 THPT. Ảnh: Hải Nguyễn

Đề thi Ngữ văn vào lớp 10: Hướng dẫn cách làm 3 dạng bài cơ bản

Vân Trang LDO | 01/06/2021 20:24

Thấu hiểu tâm trạng và cảm xúc của học sinh lớp 9 trong giai đoạn luyện thi căng thẳng hiện nay, cô Nguyễn Thị Thu Trang - giáo viên Ngữ văn trường THCS Song ngữ - Quốc tế Wellspring (Hà Nội), đồng thời là giáo viên thuộc hệ thống giáo dục HOCMAI đã chia sẻ kinh nghiệm làm tốt bài thi môn Ngữ văn.

Cô Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 có tất cả là 3 dạng bài. Dạng bài thứ nhất là đọc hiểu văn bản. Dạng bài thứ 2 là nghị luận xã hội. Dạng bài thứ 3 là nghị luận văn học.

This browser does not support the video element.

Hướng dẫn cách làm 3 dạng bài cơ bản đề thi môn Ngữ Văn lớp 10 THPT. Video: Tường Vân- Thiều Trang

Hướng dẫn làm dạng bài đọc hiểu

Theo cô Thu Trang, dạng bài đọc hiểu văn bản có thể là văn bản đọc hiểu trong tác phẩm đã học, có thể là văn bản nằm ngoài chương trình. Tuy nhiên, các câu hỏi đều xoay quanh những vấn đề cơ bản và thân thuộc.

"Ví dụ có các câu hỏi liên quan đến phương thức biểu đạt, câu hỏi liên quan đến tiếng Việt như phép liên kết câu hay các phương châm hội thoại.

Với văn bản, có thể là câu hỏi liên quan đến xác định chủ đề của văn bản, thông điệp ý nghĩa của văn bản. Với thể loại thơ có thể là hoàn cảnh sáng tác, nhan đề, mạch cảm xúc của tác phẩm, các biện pháp nghệ thuật trong đoạn thơ. Với thể loại truyện có thể là tình huống truyện, ngôi kể, nhan đề, các diễn biến trong cốt truyện và nhân vật.

Đó là những câu hỏi đã lặp đi lặp lại và quen thuộc với học sinh. Vì vậy, khi ôn kiến thức, các em nên ôn theo bảng tổng kết hoặc sơ đồ tư duy" - cô Thu Trang dành lời khuyên cho học sinh.

Hướng dẫn làm dạng bài nghị luận xã hội

Với nhiều năm kinh nghiệm ôn luyện học sinh thi vào lớp 10, cô Thu Trang cho rằng, nghị luận xã hội là dạng bài khiến nhiều học sinh gặp khúc mắc và gây khó khăn trong quá trình làm bài. Tuy nhiên, thể loại nghị luận xã hội chỉ xoay quanh hai dạng đề là: nghị luận về tư tưởng đạo lý và nghị luận về hiện tượng đời sống.

"Bất cứ dạng đề nào cũng quy về các bước triển khai luận điểm: Thứ nhất giải thích vấn đề đó là gì, hiện tượng đó là gì? Thứ 2 lập luận rõ thực trạng, vai trò hoặc hậu quả của vấn đề. Nếu là vấn đề tích cực thì bàn luận về vai trò. Nếu là vấn đề tiêu cực sẽ bàn về hậu quả và tác hại của nó và dẫn chứng. Thứ 3 là phân tích để đưa ra nguyên nhân cũng như đưa ra phản đề, liên hệ thực tế với bản thân và cuối cùng là kết luận.

Với dạng đề nào cũng đi đúng những bước triển khai như vậy và lồng ghép lý lẽ, dẫn chứng. Đặc biệt, các em cần trau dồi kiến thức cho bản thân mình, trau dồi kỹ năng xã hội cũng như cập nhật tin tức thời sự để làm cho bài viết của mình phong phú hơn" - cô Thu Trang chia sẻ.

Hướng dẫn làm dạng bài nghị luận văn học

Theo cô Thu Trang, đây là dạng bài chiếm nhiều điểm nhất trong đề thi vào lớp 10. Bài nghị luận văn học có hai dạng là: nghị luận thơ hoặc nghị luận truyện.

"Nghị luận về thơ, học sinh sẽ khai thác rõ ràng nội dung của đoạn thơ là gì, các biện pháp nghệ thuật trong đoạn thơ đó ra sao? Hình ảnh, biện pháp nghệ thuật, ngôn từ đặc sắc như thế nào? Và phân tích tác dụng của các biện pháp ngôn từ đó. Cuối cùng, kết luận lại bức tranh được thực hiện trong đoạn thơ và tình cảm của nhà thơ được bộc lộ.

Nghị luận về truyện thường xoay quanh dạng bài phân tích về nhân vật văn học. Ví dụ anh thanh niên trong "Lặng lẽ Sapa" hay ông Sáu bé Thu trong "Chiếc lược ngà".

Vì vậy, các em cố gắng nắm vững kiến thức, ôn tập theo từng thể loại, bảng tổng hợp, sơ đồ tư duy để có thể làm tốt dạng bài này" - cô Thu Trang chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn