MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS-TS Bùi Thị An cho rằng, hiệu trưởng các trường, cơ quan về giáo dục, y tế phải nâng cao trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe học sinh. Ảnh: Hải Nguyễn

Để thực phẩm "bẩn" tuồn vào trường học, cần xử lý mạnh tay với hiệu trưởng!

Đặng Chung LDO | 17/10/2018 10:34
Thực phẩm bẩn vào trường học, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của học sinh. Để ngăn chặn điều này, PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII – cho rằng, cần có hình thức xử lý nghiêm với cả người đứng đầu trường học nếu để bếp ăn tập thể mất an toàn.

“Bữa ăn học đường không an toàn, gián tiếp hủy hoại một thế hệ”

Chưa bao giờ tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các trường học lại "nóng" như thời gian gần đây. Chỉ trong vòng nửa tháng đã xảy ra hàng loạt vụ việc, khiến hàng trăm học sinh phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bán trú tại trường.

Theo đánh giá của PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, những vụ việc học sinh ăn phải ruốc gà nhiễm độc tố tụ cầu vàng ở Ninh Bình, thịt ôi ở Hà Giang, hay mới đây là phụ huynh ở Bà Rịa-Vũng Tàu "tố" trường mầm non nấu cơm cho học sinh ăn bằng gạo mốc xanh… đều rất nghiêm trọng. Bởi đối tượng bị ngộ độc, bị ảnh hưởng là học sinh nhỏ tuổi, sức đề kháng thấp.

“Hiện nay, nhiều trường học đã có bếp ăn tập thể, để phục vụ bữa ăn bán trú của trẻ. Khi được phụ huynh tin tưởng, nhà trường phải làm hết trách nhiệm của mình, không chỉ dạy mà còn nhận nhiệm vụ chăm nuôi các con.

Đặc biệt học sinh mầm non, tiểu học - lứa tuổi non nớt, sức đề kháng kém, cần phải bảo vệ chăm sóc hơn ai hết.

Vì thế, vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học phải được chú trọng hàng đầu, bởi nếu để xảy ra sẽ gián tiếp làm hủy hoại một thế hệ. Không được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, trẻ sẽ không đủ sức khỏe và không thể học tập được”- PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.

Hình ảnh do phụ huynh ở Bà Rịa - Vũng Tàu chụp lại, để 'tố' nhà trường cho trẻ ăn cơm nấu bằng gạo mốc, đầu cá. 

Cũng theo PGS.TS An, khi một địa phương nào đó xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học, lãnh đạo địa phương đó phải vào cuộc xử lý, phải làm rõ nguyên nhân và quy trách nhiệm đến cùng mới đủ sức răn đe.

Bà kiến nghị: “Những vụ việc xảy ra ở Ninh Bình, Hà Giang, hay Bà Rịa- Vũng Tàu cần phải tìm ra ai là người ký hợp đồng với đơn vị cung cấp thức ăn? Ai là người chịu trách nhiệm giám sát nguồn thực phẩm, mà để ruốc bẩn, thịt thiu, gạo mốc vẫn vào được trường học, nấu cho trẻ em ăn? Chỉ có quy trách nhiệm đến cùng, xử lý rốt ráo thì mới đủ sức răn đe”.

Hiệu trưởng không thể phó mặc tính mạng của học sinh!

Trong bài viết "Để học sinh ăn phải thịt ôi, gạo mốc trong trường học là tội ác!" đăng ngày 15.10 trên Lao Động, các chuyên gia và phụ huynh cho rằng trường học nào để xảy ra ngộ độc thực phẩm, thì hiệu trưởng trường đó phải chịu trách nhiệm, bị xử lý nghiêm.

Trước đề xuất này, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội cho rằng, chỉ trừ trường tự nấu và tự sản xuất được nguồn thực phẩm thì mới dám đảm bảo thực phẩm đó là an toàn. Còn nếu đi mua, hoặc đặt một bên thứ ba thì chỉ biết “tin tưởng” đối tác. Cá nhân hiệu trưởng hay nhà trường rất khó kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm, nên không thể quy trách nhiệm cho hiệu trưởng.

Về điều này, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, các trường cần có cơ chế giám sát được nguồn thực phẩm, bữa ăn trong trường học, không thể lấy lý do nào đó để phó mặc tính mạng của học sinh.

Bà cũng cho rằng, những đơn vị cung cấp thức ăn cho các trường học cần được lựa chọn kỹ. Những đơn vị nào bị phát hiện đưa thực phẩm bẩn vào trường học phải bị xử lý hình sự và vĩnh viễn không cho hoạt động trong lĩnh vực này.

"Bao nhiêu cơ quan chẳng lẽ không bảo vệ được bữa ăn của trẻ? Bữa ăn học đường liên quan đến sức khỏe, tính mạng trẻ em, nên không thể đùa và lơ là được" - PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn