MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện nay học sinh bắt đầu được học tiếng Anh từ bậc tiểu học. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Để tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2: "Cần môi trường giáo dục rất khác"

Bích Hà LDO | 30/11/2018 18:30

“Ủng hộ”, “cần thiết”, “nên làm ngay”… là ý kiến của nhiều người trước đề xuất "công bố tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam". Nhưng việc quan trọng là nên bắt đầu từ đâu để điều này sớm trở thành hiện thực?

Tại Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp 2018 diễn ra tại Đà Nẵng mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất Thủ tướng sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam.

Bối cảnh để Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra đề xuất này là trong khi tiếng Anh được coi là “cánh cửa mở ra thế giới”, có thể giải quyết câu chuyện toàn cầu, thì chúng ta vẫn còn “điểm nghẽn” tiếng Anh. 

Phải được quy định trong luật

Từ năm học 2016 - 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 ở Việt Nam và coi đây là 1 nội dung đáng chú ý trong 9 nhiệm vụ chủ yếu của ngành giáo dục từ đó đến nay. Tuy nhiên đến hiện tại ước mơ, chặng đường “phổ cập tiếng Anh” vẫn còn rất chông gai, chi phối bởi yếu tố kinh tế, văn hóa, tâm lý, giáo dục… 

Phổ điểm thi THPT quốc gia môn tiếng Anh nhiều năm nay luôn ở mức thấp so với những môn khác. Tình trạng học sinh, sinh viên không sử dụng được tiếng Anh sau khi kết thúc chương trình đào tạo trong nhà trường vẫn còn phổ biến.

Dẫn chứng điều này để thấy việc đưa tiếng Anh thực sự trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam sẽ khó khăn. Nhưng theo nhiều chuyên gia, dù khó, không có nghĩa là không thể.

“Tôi ủng hộ đề xuất công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam. Có điều đây là một chủ trương lớn, không chỉ ngành giáo dục, hay Chính phủ triển khai mà cần được Quốc hội thông qua. Hiện Luật Giáo dục đang được sửa đổi, bổ sung. Nếu việc này được nghiên cứu để đưa vào  Luật, Nghị định thì sẽ có cơ sở pháp lý để triển khai” - GS-TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam – chia sẻ.

Đồng quan điểm, GS-TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước cũng cho rằng đề xuất công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 cần được Chính phủ ủng hộ, được đưa ra Quốc hội bàn bạc để có thể xây dựng lộ trình thực hiện.

“Cần môi trường giáo dục và làm việc rất khác”

Theo chuyên gia kinh tế Lương Hoài Nam, nếu coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai thì cần “một môi trường giáo dục và môi trường làm việc rất khác với những gì chúng ta đang có”.

Cụ thể, về môi trường giáo dục, mức độ dạy tiếng Anh trong trường học sẽ tăng lên rất nhiều, gần tương đương tiếng Việt, chứ không phải dạy như một ngoại ngữ mà hiện tại chúng ta đang thực hiện.

Còn về môi trường làm việc, khi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, các doanh nghiệp có thể chọn tiếng Anh là "ngôn ngữ công ty", dùng tiếng Anh cho các tài liệu nghiệp vụ, họp hành, email nội bộ, bên cạnh tiếng Việt.

TS Lương Hoài Nam . Ảnh: Kiều Linh

Vui mừng trước đề xuất coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2,  cô Nguyễn Thị Mai Hương – Phó Chủ nhiệm khối Song ngữ, Tổ trưởng tổ Anh Trường THCS  và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết để điều này sớm trở thành hiện thực cần bắt đầu từ giáo dục. 

Cô Nguyễn Thị Mai Hương: Cần sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam. 

Theo cô Hương, cần phải nghĩ đến việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa và đầu tư đội ngũ giáo viên theo hướng coi tiếng Anh là môn học quan trọng trong nhà trường.

“Tâm lý của phần đông học sinh Việt Nam là có thi thì mới học. Nếu môn nào không thi thì được đầu tư ít thời gian và học rất hời hợt. Nay có một quy định bắt buộc, coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, tôi thấy rất cần thiết để năng cao ý thức học tập với môn tiếng Anh với học sinh” – cô Hương chia sẻ.

Với tư cách là một phụ huynh, chị Nguyễn Thị Mai (có con học Trường Tiểu học Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) thì cho rằng, không phải phụ huynh không ý thức vai trò quan trọng của tiếng Anh. Tuy nhiên khó khăn hiện nay là không phải gia đình nào cũng có điều kiện để đầu tư cho con cái học tốt ngôn ngữ này.

Bởi hiện không nhiều trường công lập thực hiện được việc dạy song ngữ, nếu có thì chi phí rất đắt đỏ.  Chị cho rằng, để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai thì Nhà nước cần có sự đầu tư để mọi trẻ em có thể tiếp cận với việc giáo dục bằng tiếng Anh với chi phí rẻ nhất có thể. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn