MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Để trẻ không còn bị bạo hành, cần sự chung tay của toàn xã hội

Phùng Nhung LDO | 16/04/2023 19:02

Theo các chuyên gia, bạo hành trẻ em ngày càng gia tăng với mức độ ngày một nghiêm trọng. Gia đình, nhà trường, xã hội cần có nhận thức, hành vi, ứng xử đúng đắn trong việc giáo dục con trẻ để không xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành trẻ em

Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2023 đã liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành, tra tấn trẻ em một cách dã man. Những vụ việc này đang có xu hướng tăng lên với nhiều hình thức và cách thức khác nhau. Điều đáng nói, các em bị bạo hành bởi chính người thân trong gia đình, chịu những trận đòn roi kinh hoàng trong chính ngôi nhà mình sinh sống.

Ngày 12.4 vừa qua, xảy ra vụ việc bé trai 2 tuổi tại xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn, TPHCM) nghi bị mẹ ruột bạo hành. Khi được đưa vào bệnh viện điều trị, bé trai trong tình trạng tỉnh với các vết thương ở đầu, ngực, mặt, bụng và bị gãy tay phải. Phần da ở vùng bụng, ngực, mông có vết bỏng.

Sự việc cũng chỉ bị phát giác khi người cô phát hiện cháu có nhiều vết thương, trình báo cơ quan chức năng. Làm việc với cơ quan công an, người mẹ thừa nhận có đánh con mình.

Bé trai với hàng loạt vết thương chi chít. Ảnh: Người nhà cung cấp

Trước đó, tối 24.3, mạng xã hội lan truyền nhiều clip về một bé trai 3 tuổi ở TPHCM bị một người đàn ông xăm kín người nhiều lần chửi bới, cầm búa đe dọa và ép hút bình khí giống ma túy đá.

Được biết, người đàn ông trong clip là người tình của mẹ ruột cháu bé. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đang củng cố hồ sơ để điều tra hành vi hành hạ, ngược đãi và cho cháu bé 3 tuổi sử dụng ma túy của hai đối tượng này.

Đầu tháng 3.2023, vụ việc hai cô giáo bạo hành, đánh đập khiến bé trai 17 tháng tuổi bị chấn thương sọ não dẫn tới tử vong tại Hà Nội gây phẫn nộ, bức xúc trong dư luận.

Những giọt nước mắt và lời hối lỗi muộn màng của hai “ác nữ” không thể xoa dịu những nỗi đau, sự mất mát cho gia đình nạn nhân.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam - chia sẻ, trẻ em là đối tượng yếu thế, không có khả năng phản kháng hay tố cáo, bạo hành trẻ xảy ra với mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Nhẹ thì mắng chửi, nặng hơn thì bị đánh đập, hành hạ, thậm chí có thể khiến trẻ tàn phế hoặc tử vong. Những kẻ gây ra tội ác trong những vụ án phần lớn là người thân của các em, tiếp đó là giáo viên, hàng xóm…

“Đánh đập trẻ em có thể sẽ khiến trẻ nghe lời trước mắt nhưng tính cách, nhận thức chưa thể thay đổi được, trẻ tự ti về bản thân, né tránh đám đông, phát triển không đầy đủ về thể chất lẫn tinh thần, tổn thương tâm lý nặng nề…

Tính cách trẻ em dễ lây những thói xấu, nguy hiểm nhất là học theo tính bạo lực từ bố mẹ để hành động, ứng xử với mọi người xung quanh, điều đó gây hoạ cho gia đình và xã hội. Lúc bấy giờ, bạo lực không giải quyết được vấn đề mà chỉ nhân lên” - TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Hà Giang

Theo Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn này xuất phát từ sự thiếu kiến thức về giáo dục, nhất là từ gia đình. Trình độ hiểu biết và nhận thức của những kẻ bạo hành hạn chế; không biết cách kiềm chế cảm xúc; hành động theo quan điểm, quán tính; không có những kiến thức của phương pháp giáo dục hiện đại; thiếu hiểu biết về pháp luật…

TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh, giáo dục trẻ là một quá trình dài cần sự chung tay của gia đình và toàn xã hội.

Về phía gia đình, bố mẹ phải biết kiềm chế cảm xúc và hiểu rằng bạo lực với con cái chỉ có hại. Phải có những phương pháp dạy dỗ tùy theo tính cách của từng trẻ. Để nâng cao hiểu biết, kiến thức, phụ huynh cần trao đổi, học tập kinh nghiệm từ các chuyên gia, bác sĩ tâm lý, đọc sách…, dành thời gian tâm sự, chia sẻ, đồng hành với con.

Xã hội cũng cần ý thức và thực hiện tốt vai trò của mình trong việc tuyên truyền ngăn chặn bạo lực trẻ em. Ở từng địa phương, từng khu dân cư, các cơ quan đoàn thể phải có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức các buổi trao đổi toạ đàm, mời các chuyên gia đến chia sẻ để nâng cao nhận thức của phụ huynh về việc giáo dục trẻ.

Khi phát hiện những trường hợp bị bạo hành hoặc có dấu hiệu bị bạo hành cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời can thiệp và xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn