MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Để "trường học hạnh phúc" thật sự đúng nghĩa

PHONG LINH LDO | 17/09/2023 15:48

Xây dựng “trường học hạnh phúc” không chỉ bao hàm trường học an toàn, không có bạo lực học đường, học sinh không áp lực mà kể cả giáo viên cũng cần được ghi nhận...

Khi những áp lực chực chờ

5 năm gắn bó với việc chăm sóc và dạy trẻ, cô Lưu Mỹ Cầm (giáo viên Trường Mầm non 2 Tháng 9 thuộc quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) luôn cố gắng vượt qua khó khăn của bản thân, hoàn cảnh gia đình để thực hiện tốt công việc. Con gái năm nay đã lên lớp 3 nhưng chưa một lần cô đưa con đến lớp bởi hầu hết thời gian, cô đều ở trường mầm non.

"Từ 6h30, tôi có mặt ở trường để dọn dẹp vệ sinh, chuẩn bị chào đón các bé. Cả ngày, tôi chăm sóc, dạy dỗ, vui chơi cùng các em như con của mình. Dù có áp lực, vất vả nhưng tôi cố gắng để làm việc với mong muốn mang đến kết quả tốt nhất cho các con, để các con có môi trường học tập thật hạnh phúc", cô Cầm nói.

Cô giáo Cầm cũng chia sẻ, dù đã quen với công việc nhưng bản thân luôn trau dồi kiến thức, vận dụng cách dạy sáng tạo để các bé dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra, cô cũng chú trọng việc kết nối giữa phụ huynh với giáo viên nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho bé.

Công việc của giáo viên mầm non phải chịu nhiều khó khăn hơn các bậc học khác. Ảnh: Phong Linh

Tuy nhiên, điều mà cô Cầm lo lắng khi đang công tác tại trường mầm non là rất nhiều phụ huynh mang tâm lý "đòi hỏi" ở giáo viên. Cô phân tích, mỗi bé là một cá thể riêng, có những bé rất ngoan, nhưng cũng có một số bé hơi hiếu động nên việc giáo viên gặp khó khăn trong công việc là không thể tránh khỏi.

"Dư luận xã hội hiện nay về bạo hành trẻ em khiến phụ huynh yêu cầu chúng tôi cao hơn, điều này vô tình làm ảnh hưởng chung đến tâm lý của các cô giáo mầm non. Ngoài ra. về mức lương, so ra để trang trải cho cuộc sống thì rất thấp, phụ cấp cũng không được cao. Chỉ có những người rất yêu nghề mới có thể vượt qua được những khó khăn để tiếp tục gắn bó" - cô Cầm nói.

Bà Dương Thị Mai Trâm - Hiệu trưởng Trường Mầm non 2 Tháng 9 (Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) nêu quan điểm: Đâu đó vẫn còn vấn đề dư luận xã hội đối với giáo viên mầm non, chính vì những điều đó khiến họ bị chạnh lòng và khó vượt qua hơn. Riêng tại trường Mầm non 2 Tháng 9 cũng đã có những trường hợp giáo viên xin nghỉ việc, một phần vì đồng lương, phần nhiều lại vì không chịu nổi áp lực công việc, áp lực của phụ huynh và dư luận xã hội.

"Tôi cho rằng nếu muốn xây dựng trường học hạnh phúc không phải chỉ nằm ở phương châm, ở khẩu hiệu mà chúng ta cần phải hành động thật sự. Tức có những cách làm hay, thiết thực, đặc biệt là có sự quan tâm nhất định đối với giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng, để trường học hạnh phúc thật sự đúng nghĩa", bà Trâm nói.

Tăng cường trường học hạnh phúc

Bà Lê Thị Thùy Dung - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP Cần Thơ - cho biết: Hiện ngành giáo dục thành phố đang và sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa thực hiện mô hình trường học hạnh phúc, đây cũng là phương hướng nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2023-2024. Theo đó, khái niệm về trường học hạnh phúc bao hàm trường học an toàn, không có bạo lực học đường, không có hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo, không xúc phạm nhân phẩm danh dự của giáo viên và học sinh…

“Cách nghĩ đơn giản về mô hình trường học hạnh phúc là học sinh đến trường hạnh phúc, giáo viên đến trường hạnh phúc và thậm chí phụ huynh đến trường cũng lan tỏa hạnh phúc từ học sinh”, bà Dung cho biết thêm.

Xây dựng trường học hạnh phúc là điều rất cần thiết đối với ngành giáo dục. Ảnh: Phong Linh

Theo bà Dung, hiện nay, vấn nạn học sinh bị cô lập, trầm cảm vẫn còn tồn tại ở một số cơ sở giáo dục… do đó, đề nghị thầy cô giáo cần quan tâm hơn, chủ động đổi mới các phương pháp đánh giá kiểm tra giúp học sinh phấn khởi trong học tập hơn.

Ngoài ra, thực tế giáo viên vẫn còn gặp khó khăn về thu nhập, hồ sơ sổ sách hành chính nhiều. Do đó, lãnh đạo các đơn vị cần quan tâm hơn vấn đề này, đồng thời giảm những quy định, hồ sơ không cần thiết gây áp lực giáo viên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn