MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thiếu giáo viên là một trong những điểm tồn tại, hạn chế khi thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ảnh: Thế Đại

Đề xuất bổ sung giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới

Bích Hà LDO | 20/08/2021 21:41

Vai trò của giáo viên là nhân tố quyết định thành công trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, nhiều địa phương đang gặp phải tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết một năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, vấn đề này một lần nữa được nhiều địa phương đề cập.

Thiếu giáo viên dạy theo chương trình mới

Sau một năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đại diện các địa phương đều khẳng định đây là hướng đi đúng đắn - xu thế tất yếu cần thực hiện. Vì vậy, năm vừa qua các địa phương đều tích cực đầu tư, trên tinh thần dành nguồn lực, những gì tốt đẹp nhất cho học sinh lớp 1.

Tuy nhiên, hiện các địa phương đều đang chung nỗi lo. Bởi chặng đường dài để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, các điều kiện triển khai về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất còn thiếu thốn và gặp không ít khó khăn.

Ông Vũ Văn Trà - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng - cho biết, để đáp ứng cho lớp 1, lớp 2 học 2 buổi/ngày, Hải Phòng còn thiếu khoảng 600 giáo viên. Nhưng khi cả lớp 3, 4, 5 thực hiện học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, Hải Phòng sẽ phải bổ sung thêm 1.572 giáo viên. Trong khi đó, ở một số môn học đặc biệt là cấp tiểu học, có muốn tuyển nhưng cũng không có nguồn tuyển.

Khẳng định năm học vừa qua đã ưu tiên chọn giáo viên có chuyên môn, nghiệp vụ tốt để dạy học lớp 1, đảm bảo đủ số lượng dạy 2 buổi/ngày, tuy nhiên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng cũng chia sẻ khó khăn về thiếu giáo viên tại địa phương.

Theo đó, hiện nay việc giao biên chế giáo viên đang được tính toán theo định mức số học sinh/lớp, tuy nhiên Bắc Kạn với đặc thù tỉnh miền núi diện tích rộng, dân cư thưa, giao thông đi lại khó khăn, có nhiều điểm trường, nên số học sinh/lớp không đảm bảo theo định mức. Do vậy, số lớp tăng lên nhưng chỉ tiêu biên chế giáo viên lại không đáp ứng yêu cầu.

Phải dồn lớp, ghép lớp vì thiếu giáo viên, giáo viên dạy thêm giờ, quá tải công việc... cũng là thực tế diễn ra tại nhiều địa phương mà phóng viên Lao Động ghi nhận được trong năm học vừa qua.

Mặc dù các địa phương đã chủ động nhiều giải pháp nhưng tình trạng thừa, thiếu giáo viên vẫn xảy ra. Tỉ lệ giáo viên/lớp ở cấp tiểu học nhiều nơi chưa đạt 1,50 theo quy định thậm chí chỉ đạt tỉ lệ là 1,20.

Bên cạnh đó, đối với cấp tiểu học, việc đào tạo, bố trí giáo viên Tiếng Anh, Tin học còn nhiều khó khăn, bất cập. Theo thống kê của Bộ GDĐT, so với số lượng giáo viên hiện có thì cấp tiểu học vẫn còn thiếu khoảng 6.348 tin học và 5.107 giáo viên Tiếng Anh.

Cần có chiến lược để cung cấp nhân lực đang "khan hiếm"

Trước tình trạng thiếu giáo viên dạy chương trình mới, ông Vũ Văn Trà - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng - đề xuất, Bộ GDĐT chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên có chiến lược để cung cấp nhân lực đang “khan hiếm”, sẵn sàng nguồn tuyển khi Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ giao chỉ tiêu cho ngành.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cũng kiến nghị Bộ GDĐT có ý kiến với Bộ Nội vụ, Uỷ ban Văn hoá Giáo dục có ý kiến với Chính phủ để xem xét việc giao biên chế giáo viên cho các tỉnh căn cứ vào số lớp trên thực tế.

Lắng nghe ý kiến từ các địa phương, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Bộ sẽ tiếp thu đầy đủ để có kế hoạch tháo gỡ. Đồng thời Bộ trưởng cho rằng, rất cần sự phối hợp giữa trung ương và địa phương trong thực hiện. Bộ trưởng cũng mong muốn, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ cùng quan tâm, có tiếng nói ủng hộ trong việc tháo gỡ vướng mắc của địa phương.

Riêng về đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GDĐT sẽ có kế hoạch làm việc với hệ thống các trường đại học sư phạm để trao đổi về các nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; cũng như phát triển các ngành nghề đào tạo thuộc nhóm sư phạm để bảo đảm cung cấp đủ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông những năm tiếp theo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn