MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tham dự kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Hải Nguyễn

Đề xuất đưa các môn học STEM vào bài thi đánh giá năng lực tuyển sinh đại học

Vân Trang LDO | 26/09/2023 21:00

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng, cần đảm bảo các môn học STEM có mặt trong bài thi đánh giá năng lực tuyển sinh đầu vào bậc đại học và trong các chương trình đào tạo bậc đại học, sau đại học.

Giáo dục STEM chưa được chú trọng ở đại học

Tại Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, Toán học, thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” diễn ra ngày 26.9, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức thông tin, tại Mỹ, đầu những năm 90, đã hình thành xu hướng giáo dục mới gọi là giáo dục STEM.

Trong chương trình giáo dục STEM, các môn học về khoa học công nghệ được tích hợp lại với nhau thành một môn học thông qua phương pháp giảng dạy bằng dự án, trải nghiệm, thực hành...

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Ban tổ chức

Khái niệm STEM là viết tắt của cụm từ Khoa học, Công nghệ, Kỹ nghệ và Toán học (Science, Technology, Engineering and Math) và lần đầu tiên được Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ở Mỹ đưa ra vào năm 2001.

Ông Đức cho rằng, trong những năm qua, ở Việt Nam đã nói nhiều đến giáo dục STEM. Nhưng đa phần dư luận xã hội ở ta hiện nay lại hiểu STEM như môn học tích hợp các môn khoa học và Toán ở bậc phổ thông mà chưa chú trọng đến giáo dục STEM ở bậc đại học.

"Từ số liệu của kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023, bên cạnh những thành tựu, điểm nghẽn của giáo dục thể hiện qua việc tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT rất cao, trong khi môn Toán, số thí sinh có điểm dưới trung bình là thấp nhất trong các môn chuyên môn; chiếm đến 21,636% số bài thi; tiếp đó là môn Vật Lý: 14,786%. Đây là một trong 2 môn cốt lõi trong giáo dục STEM và có tỉ lệ thí sinh có điểm dưới trung bình rất cao.

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tốt rất tích cực, nhưng môn Tiếng Anh vẫn có tới 44,833% điểm dưới điểm trung bình. Tiếng Anh vẫn là điểm đen trong giáo dục.

"Với năng lực ngoại ngữ và các môn STEM như vậy; tuyển sinh vào đại học dễ dãi với những điểm Văn và Giáo dục công dân tràn lan điểm giỏi, thế hệ trẻ của chúng ta, đất nước chúng ta sẽ rất khó để vươn lên những đỉnh cao của khoa học kĩ thuật và nắm bắt những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" - GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhận định.

Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực STEM

Chuyên gia này đánh giá, giáo dục STEM mang lại cơ hội lớn cho người học. Ở Mỹ, người được đào tạo về STEM làm việc trong ngành máy tính có thu nhập trung bình cao nhất, đạt 105.300 USD/năm. Kỹ sư đứng thứ hai, thu nhập trung bình 102.200 USD/năm.

Theo khảo sát sơ bộ ở Việt Nam, các sinh viên học về STEM cũng dễ xin được việc làm, dễ xin học bổng học sau đại học ở nước ngoài hơn so với các ngành học khác.

Ông Đức cho rằng, để không bị tụt hậu, để hội nhập với quốc tế; để đất nước ta nắm bắt những cơ hội để đột phá trong 4.0, cần đẩy mạnh hơn nữa giáo dục STEM và tiếng Anh kể cả trong bậc THPT, cũng như ở giáo dục bậc đại học.

Trước tiên, từ nhận thức, cần sớm nghiên cứu kỹ các kinh nghiệm và chuẩn mức quốc tế để xây dựng chương trình đào tạo nội địa hóa STEM ở Việt Nam ở bậc đại học: Từ khung lý thuyết, nội dung giảng dạy, chuẩn đầu ra.

Song song với chương trình đào tạo, phải tập trung đầu tư và phát triển công nghệ giáo dục STEM ở các bậc học. Đây là bài toán lớn, đòi hỏi có sự đồng hành đầu tư của Nhà nước và các doanh nghiệp.

Cuối cùng, cần đảm bảo các môn học STEM phải có mặt trong bài thi đánh giá năng lực tuyển sinh đầu vào bậc đại học và trong các chương trình đào tạo bậc đại học, sau đại học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn