MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm 2020, có thể giá sách giáo khoa mới sẽ không tăng giá so với năm 2019. Ảnh minh họa: T.L

Đề xuất năm 2020, sách giáo khoa mới không tăng giá so với sách hiện hành

Đặng Chung LDO | 22/02/2020 14:42

Bộ Giáo dục và Đào  tạo có văn bản gửi Chính phủ, báo cáo và đề xuất một số nội dung liên quan đến giá sách giáo khoa mới. Theo văn bản, trước mắt để kịp cho công tác in ấn, phát hành sách giáo khoa mới đối với năm học 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra phương án, các nhà xuất bản kê khai giá sách giáo khoa mới không vượt quá giá sách giáo khoa hiện hành.

Đề xuất có mức “giá trần” với sách giáo khoa

Theo văn bản số 115/BGDĐT –KHTC ngày 14.1.2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị: “Chính phủ giao Bộ Tài chính đề nghị các nhà xuất bản thực hiện kê khai giá theo Luật Giá 2012.

Trong đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, trình Chính phủ về mức giá kê khai sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới đảm bảo không vượt mức giá kê khai của bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bán ra thị trường cho năm học 2019-2020. Vận dụng định mức biên soạn của bộ sách giáo khoa hiện hành để rà soát mức giá kê khai của bộ sách giáo khoa mới”.

Giá sách giáo khoa hiện hành được NXB Giáo dục Việt Nam kê khai cho năm học 2019-2020.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục do Nhà nước định giá. Hình thức định giá là giá tối đa, cơ quan có thẩm quyền định giá tối đa là Bộ Tài chính để thực hiện từ năm 2021.

Về đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 20.2, Bộ Tài chính có văn bản gửi các nhà xuất bản, “truyền đạt” lại đề xuất mà Bộ Giáo dục đưa ra.

Bộ Tài chính đề nghị các nhà xuất bản tham gia công tác biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa mới phải kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất kinh doanh; chủ động triển khai các biện pháp chi phí, xác định giá sách giáo khoa  đảm bảo nguyên tắc cân đối hài hòa giữa lợi ích kinh tế doanh nghiệp và mục đích phục vụ xã hội.

Sách mới, in giấy đẹp, giá vẫn như cũ?

Một trong những điểm quan trọng thể hiện trong Nghị quyết số 88/2014/QH 13 là khuyến khích các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa, đồng thời cho phép nhiều bộ sách giáo khoa được xây dựng trên cơ sở một chương trình khung thống nhất.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội đã đánh giá rằng, việc thực hiện “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” sẽ tạo ra cơ chế mới thúc đẩy nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia biên soạn sách.

Cũng từ chủ trương của Nghị quyết số 88/2014, đã có 5 bộ sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng trong trường phổ thông. Thời gian qua, bản mẫu các bộ sách giáo khoa mới nhận được nhiều phản hồi tích cực, khi được đánh giá là có hình thức bắt mắt, giấy in đẹp, chất lượng cũng được các thành viên trong Hội đồng thẩm định đánh giá cao.

Trước đó trong buổi giới thiệu sách, các nhà xuất bản cũng khẳng định khi in và chính thức phát hành sách giáo khoa mới, hình thức sách vẫn bắt mắt từ trang bìa đến nội dung.

Việc được học những bộ sách giáo khoa có hình thức đẹp, nội dung tốt, mà giá vẫn như sách giáo khoa hiện hành, đương nhiên lợi nhất là học sinh và phụ huynh. Còn với doanh nghiệp tham gia vào cuộc chơi làm sách giáo khoa sẽ phải đau đầu với bài toán kinh tế.

Với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, theo báo cáo tài chính các năm qua, thì việc in ấn, phát hành sách giáo khoa đều lỗ trên dưới 40 tỉ đồng/ năm. May mắn là nhà xuất bản này có nguồn thu từ các hoạt động khác để bù đắp.

Còn với những doanh nghiệp mới bắt tay vào “cuộc chơi”, nếu vừa đòi hỏi sách mới in giấy đẹp, chất lượng, bắt mắt mà giá vẫn như cũ, e rằng doanh nghiệp sẽ “khó sống được” để tiếp tục làm sách.

PGS-TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam: Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ đầu tư

Ngoài chất lượng thì giá thành sách giáo khoa cũng là một yếu tố. Nếu chúng ta tuân thủ theo đúng quy luật thị trường thì sẽ có những bộ sách giáo khoa có giá cả khác nhau do độ dày mỏng, chất lượng khác nhau. Trong xu hướng xã hội hoá giáo dục hiện nay, nhà xuất bản không thể chịu thua lỗ để làm sách.

Với phụ huynh, nhiều người có thể bỏ 200.000-300.000 đồng mua một bộ sách giáo khoa cho con, nhưng với nhiều người, đó thật sự là một khoản tiền không nhỏ.

Tôi nghĩ Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ đầu tư để giá sách giáo khoa mới đảm bảo được yếu tố phù hợp với điều kiện của phần đông phụ huynh, mà doanh nghiệp vẫn có thể sống được.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn